Tượng làm ra chất cao như núi nhưng lượng khách tìm đến mua quá ít là thực tế đáng buồn của các nghệ sỹ điêu khắc hiện nay. Nếu so sánh với lĩnh vực hội họa, đồ họa… thì điêu khắc đang là ngành gặp khó khăn nhất.
Tác phẩm “Nguồn sống” của Trần Văn Thược
Khó khăn tìm đầu ra
Hình ảnh về người nghệ sỹ điêu khắc không bóng bẩy và đẹp đẽ như các nghệ sỹ chuyên vẽ tranh trong salon. Họ là những người biến các chất liệu khô cứng như sắt, thép, đồng mang ngôn ngữ nghệ thuật, người nghệ sỹ không chỉ “vắt” chất xám cho nghệ thuật mà lúc ấy họ chẳng khác nào một người nông dân chân lấm tay bùn với độ hao mòn về sức khỏe và sự kiên trì. Thế nhưng, sân chơi riêng cho điêu khắc hiện nay lại quá ít ỏi. Phải chờ tới 10 năm, một cuộc triển lãm riêng của chuyên ngành điêu khắc mới được tổ chức. Trong khi ấy, hội họa, đồ họa lại có những sân chơi rất rộng mở và khoảng cách giữa các lần triển lãm toàn quốc chỉ khoảng 3 đến 5 năm.
Chưa kể, tại các cuộc triển lãm có sự góp mặt của nhiều chuyên ngành mỹ thuật thì điêu khắc luôn ở vị trí khiêm tốn hơn cả về số lượng và không gian trưng bày. Do không có được một không gian thích hợp nên các tác phẩm điêu khắc không thể cất lên tiếng nói của riêng mình và tất nhiên, khán giả sẽ rất khó để nắm bắt được ý tưởng hay thông điệp chuyển tải của tác giả. Nếu như hội họa còn đang lúng túng trên con đường tìm đến với người mua tranh thì điêu khắc đã thực sự hụt hơi và ngắc ngoải trong bối cảnh chung hiện nay. Những cuộc chơi sau khi kết thúc, phần lớn các tác giả chỉ còn một lựa chọn là đưa tác phẩm trở về tư gia thay vì được nhà sưu tầm tìm mua. Còn với các tác phẩm điêu khắc ngoài trời có kích thước hoành tráng, thậm chí, nghệ sỹ đành tặng lại cho chủ không gian bày tranh thay vì thuê xe cẩu đưa tác phẩm về nhà.
Tác phẩm “Trang trí bảo tàng” của Lê Thị Tơ
Tự cứu lấy mình
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường bày tỏ: “Nghệ sỹ sáng tạo ra tác phẩm chỉ có một nhu cầu duy nhất là được đón nhận. Nhưng điêu khắc đang gặp nhiều khó khăn khi tác giả, nhà sưu tầm hay chủ đầu tư các công trình không gặp nhau. Các tòa chung cư, các khu đô thị thời gian gần đây mọc lên như nấm nhưng lại không sử dụng điêu khắc trong nước mà sử dụng các mẫu biểu trưng và điêu khắc của phương Tây. Do vậy, tác phẩm điêu khắc sáng tạo ra chưa tìm được đầu ra thích hợp”.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cũng thừa nhận: “Không riêng gì điêu khắc mà vấn đề của mỹ thuật Việt Nam hiện nay nằm chủ yếu ở khâu nhận thức của người dân. Không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để làm đẹp cho căn nhà, khu đô thị. Dù Bộ VH-TT&DL đã không ít lần kiến nghị về việc cần có một quy định cụ thể trong Luật Xây dựng, để các chủ đầu tư có nghĩa vụ thực hiện việc làm đẹp cho công trình nhưng đều bị bác bỏ. Trong khi ấy, Hàn Quốc là nước đã thực hiện rất tốt điều này với quy định trích 1% tổng kinh phí xây dựng để mua tác phẩm nghệ thuật”.
Do đặc thù nghề nghiệp, điêu khắc rất tốn kém về công sức, tiền của nên nhu cầu và khả năng sáng tạo của nhiều nghệ sỹ cũng bị hạn chế. Điều đó dẫn tới, ngôn ngữ điêu khắc lặp lại và nhàm chán. Chỉ một số ít nghệ sỹ may mắn nhận được đơn đặt hàng đã tập trung đầu tư cho ý tưởng và kinh phí. Do thị trường cho điêu khắc rất mong manh nên hiếm có những công trình nào được đầu tư thực sự. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục Trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết thêm: “Hầu như sau mỗi cuộc thi và triển lãm, các tác phẩm điêu khắc bán được chỉ là do các đơn vị mua “ủng hộ”. Còn để thuyết phục công chúng thì điêu khắc Việt Nam vẫn chưa làm được”. Tác phẩm làm ra không bán được đương nhiên dẫn tới đời sống của người nghệ sỹ gặp nhiều khó khăn. Và để bám trụ với nghề, các tác giả thường phải “tay năm tay mười”, kiêm nhiệm các công việc khác.
Trên cả hai phương diện là tác phẩm và tác giả, điêu khắc đang cho thấy sự yếu ớt, ngắc ngoải trong bối cảnh chung của mỹ thuật Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, không ai khác, chỉ có các nhà điêu khắc mới tự cứu được chính mình bằng việc tìm kiếm các ngôn ngữ thể hiện mới, nâng cao chất lượng tác phẩm và đặc biệt là biết cách quảng bá tác phẩm để tăng cơ hội tìm người sở hữu. Còn việc trông chờ vào sự thay đổi nhận thức của người thưởng thức đối với nghệ thuật cần có thời gian lâu dài.
Trụ sở: 61 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Website: http://www.dieukhachoaibao.com
Email: dieukhachoaibao@gmail.com
Điện thoại: 0902641618
0 nhận xét:
Đăng nhận xét