ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn

Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn

Được manh nha hình thành một cách tự phát cách đây hơn hai năm. Đến nay, du lịch cộng đồng (Homestay) ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã cho thấy được sức hút rất lớn khi ngày càng có nhiều du khách chọn dịch vụ này mỗi khi đến đảo.
Những thắng cảnh mê hoặc lòng người đang biến Lý Sơn thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách.
Những thắng cảnh mê hoặc lòng người đang biến Lý Sơn thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách.
Những thắng cảnh mê hoặc lòng người đang biến Lý Sơn thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách.
Loại hình lưu trú “hút” du khách
Những năm gần đây, Lý Sơn nổi lên trên bản đồ du lịch Việt Nam như một điểm đến của con người thân thiện và cảnh đẹp hoang sơ, thơ mộng. Những danh thắng hùng vĩ, di tích văn hóa lịch sử, những lễ hội đặc sắc cùng các cánh đồng hành, tỏi bạt ngàn… đã “kéo” du khách gần xa đến với hòn đảo tiền tiêu này. Theo thống kê của Phòng văn hóa – thông tin huyện Lý Sơn, trong nửa đầu năm 2016, huyện đảo đã đón hơn 80 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lượng du khách đến với Lý Sơn năm sau luôn cao hơn năm trước từ 200 đến 300%.
Có những thời điểm một ngày có từ 8.000 đến 10 nghìn lượt du khách chọn Lý Sơn trong hành trình khám phá của mình. Để bắt kịp cùng tốc độ phát triển “nóng” của du lịch huyện đảo, nhiều cá nhân, doanh nghiệp lớn nhỏ đã đầu tư xây dựng nhiều nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách. Hiện tại, trên toàn đảo Lý Sơn có hơn 30 nhà nghỉ, khách sạn với khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú cùng lúc cho khoảng 2.000 du khách.
Bên cạnh việc lựa chọn những cơ sở lưu trú khang trang, hiện đại và đầy đủ tiện nghi thì nhiều du khách đến với Lý Sơn lại chọn cách nghỉ lại tại những nhà dân để tiết giảm chi phí, đồng thời khám phá lối sống, cung cách sinh hoạt của những người dân thân thiện trên hòn đảo xinh đẹp này. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay trên đảo có 20 hộ làm du lịch Homestay, tập trung chủ yếu ở xã An Vĩnh, đa phần những hộ này đều đã mở rộng quy mô, tăng số chỗ đón khách.
Là chủ một căn nhà làm du lịch Homestay ở thôn Tây, xã An Vĩnh, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: Cách đây hơn hai năm, khi khách sạn, nhà nghỉ ở đảo chưa có nhiều, những dịp như cuối tuần, ngày lễ hay Tết nhiều du khách ra đảo không có chỗ để ở. Nhà gần cầu cảng, thấy nhiều tốp du khách “tay xách nách mang” hành lý tìm nơi ngủ qua đêm, chị Hoa mời vào nhà mình ngủ lại mà không lấy tiền. “Về sau, nhiều người nói với tôi là họ muốn ở lại nhà của tôi nhiều ngày, thuê hẳn mấy phòng để ở trong suốt chuyến du lịch. Ngày càng có nhiều người tìm đến ở và nhận thấy đây là cơ hội để kiếm thêm thu nhập nên tôi đã bàn với chồng chuyển nghề”. Chị Hoa cho biết “cơ duyên” đưa chị đến với Homestay.
Sau hơn hai năm, gia đình chị Hoa đã đầu tư xây dựng thêm bốn phòng có máy lạnh bên cạnh ba phòng ban đầu để cùng một lúc có thể đón khoảng 30 du khách. Với một phòng có máy lạnh, chi phí cho một ngày đêm là 150.000 đồng/2 người, rẻ hơn khoảng 40% so với nhà nghỉ trong khu vực. Còn nhóm du khách ngủ ở phòng chung là 50.000 đồng/người, giá cả được các hộ làm Homestay niêm yết cố định. Chỉ tay về phía bốn chiếc xe máy mới mua để cho du khách thuê, chi Hoa tươi cười: “Mỗi chiếc xe cũng đã làm ra được 120 nghìn mỗi ngày rồi, nghề này an nhàn mà cho thu nhập khá. Dịp cuối tuần hay dịp lễ tôi phải san khách bớt cho nhà khác hoặc từ chối khéo khách vì có quá nhiều người đặt chỗ.”
Ban đầu làm nghề chạy xe ba gác chở khách đi tham quan đảo với thu nhập không cao, khi thấy Homestay “kiếm ăn được”, anh Nguyễn Lợi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh quyết định vay mượn tiền xây dựng căn nhà khang trang để đón khách. Loay hoay cùng vợ nấu bữa trưa cho nhóm du khách 30 người đang ở nhà mình, anh Lợi hào hứng: “Bên cạnh việc cung cấp chỗ ở, nếu du khách có nhu cầu ăn uống, thuê xe máy hay chở đi thăm quan đảo chúng tôi đều đáp ứng được. Không cần quảng cáo, khách này ở thấy được là giới thiệu khách kia thôi, chỉ cần điện thoại báo trước là ngày nào ra đảo là tôi sắp xếp phòng sẵn, tới ngày ra là tôi ra cảng đón. Nay mai tôi dự định sẽ mở rộng căn nhà của mình để có thêm chỗ”.
Lần đầu đến Lý Sơn, anh Phan Văn Tuấn, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ, khi được bạn bè giới thiệu về Homestay ở Lý Sơn qua mạng xã hội, anh cùng một số người cùng làm trong công ty quyết định sử dụng dịch vụ này khi đến huyện đảo. “Còn nhiều thiếu thốn và thiếu chuyên nghiệp, nhưng hình thức du lịch này có nét thú vị rất riêng, không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm một khoản chi phí ăn ở, mà còn được hiểu hơn về con người, văn hóa và danh lam thắng cảnh của địa phương thông qua “hướng dẫn viên du lịch” tại chỗ thân thiện” – anh Tuấn chia sẻ.
Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Lý Sơn Ngô Văn Nghĩa cho biết: Những năm gần đây, loại hình du lịch này đã cho thấy được cơ hội phát triển rất lớn, mở ra một hướng đi mới để phát triển du lịch ở Lý Sơn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu về hướng phát triển và quảng bá để tiếp tục nhân rộng loại hình này. Hiện nay Homestay trở thành một loại hình du lịch đặc trưng của Lý Sơn, những người làm du lịch “tay ngang” trên đảo đang được ngành du lịch tỉnh nhà định hướng và trợ lực.
Người dân được giúp sức
Homestay ở Lý Sơn được nhiều du khách quan tâm, lựa chọn bởi tính gần gũi, dân dã và chi phí thấp. Tuy nhiên, nhìn chung dịch vụ Homestay ở Lý Sơn còn sơ sài, chưa có sự phong phú, đa dạng. Mặc dù đã được ngành du lịch địa phương hỗ trợ bằng nhiều cách như: tập huấn nghiệp vụ đón khách, an ninh và phòng cháy chữa cháy, lắp đặt bảng hiệu, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đón khách… Nhưng các dịch vụ mang tính độc đáo, trải nghiệm và “rất Lý Sơn” như: Cùng người dân tham gia trồng hành, tỏi, câu cá, lặn biển cùng ngư dân… chưa được tính tới và áp dụng.
Người dân chuẩn bị đón du khách.
Người dân chuẩn bị đón du khách.
Người dân chuẩn bị đón du khách.
Sau ba ngày trải nghiệm Homestay ở Lý Sơn, ông Nguyễn Minh Quang – một du khách đến từ Quảng Nam chia sẻ: “So với làng rau Trà Quế quê tôi thì hình thức du lịch cộng đồng ở đây vẫn còn thiếu chuyên nghiệp và chưa có điểm khác biệt. Như ở quê tôi, bên cạnh việc lưu trú, du khách còn được tham gia các công việc như: trồng rau, gánh nước tưới rau, đi cày và làm đất cùng nông dân, họ còn được thu hoạch rau và tự tay chế biến chúng thành món ăn họ muốn. Du khách rất thích thú”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Phương Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Homestay được đánh giá là một loại hình du lịch phù hợp với điều kiện của Lý Sơn. Vừa phát huy và quảng bá được giá trị về lịch sử, văn hóa và cảnh quan, đồng thời tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ, tăng thu nhập và hưởng lợi từ sự phát triển du lịch tại đảo. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cho Lý Sơn.
Hiện nay, Sở đã ban hành Hướng dẫn về kinh doanh Homestay tại Lý Sơn, và phối hợp UBND huyện Lý Sơn tiến hành tập huấn cho các hộ làm Homestay trên đảo, hướng dẫn các thủ tục cần thiết như đăng ký kinh doanh, lưu trú, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm… để chủ hộ có thể nắm và hoàn tất thủ tục. Đồng thời, tổ chức cho những hộ làm Homestay Lý Sơn đi học hỏi kinh nghiệm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
“Bên cạnh đó, Sở còn hướng dẫn, tư vấn các hộ thực hiện các dịch vụ trải nghiệm cho du khách để nâng cao hiệu quả và sự đa dạng cho loại hình này. Lý Sơn đã được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia. Và đã được ngành xác định là địa bàn trọng điểm tập trung phát triển du lịch, là động lực thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển” – bà Hoa nói.
Cơ hội để Homestay phát triển thành một sản phẩm du lịch đặc trưng và bài bản góp phần làm phong phú thêm cho du lịch Lý Sơn nói riêng và du lịch Quảng Ngãi nói chung là hiện hữu. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì không thể thiếu vai trò xây dựng ý tưởng và định hướng của các nhà chuyên môn, những người quản lý và khai thác du lịch chuyên nghiệp.
Nguồn: http://daolyson.info/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618