ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Phòng tránh tử thần rình rập trẻ em mỗi khi vào hè như thế nào?

Bị nước cuốn mất tích, lưỡi cháy đen vì bị điện giật, bị diều khổng lồ cuốn lên trời, rơi từ chung cư xuống đất, uống phải hóa chất... tất cả những vụ việc này đã từng xảy ra với trẻ. Nhắc lại các vụ việc trước dịp nghỉ hè 2017 là lời cảnh tỉnh không thừa đối với các bậc phụ huynh và bản thân trẻ nhỏ.
Tự ý rủ nhau đi tắm sông suối, ao, hồ mà không có sự giám sát của người lớn; đi lại trên các phương tiện đường thủy không được trang bị đầy đủ phao cứu sinh; chơi các trò nguy hiểm; ở nhà cao tầng không có rào chắn; sử dụng xe đạp, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, ăn uống thiếu kiểm soát… Tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn cho trẻ em.
ảnh 1
Tuổi thơ nào cũng "dữ dội", và nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn chính từ đây
Đuối nước- nguy cơ rình rập hàng đầu
Việc liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước trong thời gian gần đây, khi mùa hè mới chỉ bắt đầu và học sinh cũng chưa bước vào kỳ nghỉ hè là hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Đó là những vụ như: Ngày 22-4, nhóm học sinh lớp 8 của Trường THCS Hiệp Hoà, Quảng Ninh rủ nhau đi tắm ở một đầm nước thuộc thôn 9 của xã Sông Khoai (TX Quảng Yên), trong đó 2 học sinh không may bị đuối nước đã tử vong.
Hay trước đó, hôm 26-3, một nhóm gồm 3 học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau ra Đà Nẵng chơi và đến bãi biển Xuân Thiều, quận Liên Chiểu để tắm. Do sóng to nên cả 3 học sinh đều bị nước cuốn trôi, tử vong.
ảnh 2
Trẻ cần được học bơi bài bản, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc
Ngày 29-3 tại vùng ngập nước của hồ thủy điện Sê San (Gia Lai), 5 nữ sinh học lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An rủ nhau đi tắm và xảy ra đuối nước.
Ngày 18-3, nhóm học sinh lớp 8A7 trường THCS Võ Xán, Tây Sơn (Bình Định) cùng thầy giáo chủ nhiệm đi dã ngoại. Trong lúc làm trại một nhóm bạn khoảng 14 người (có nam và nữ), rủ nhau ra bờ sông Kôn (thuộc thị trấn khối 1, huyện Tây Sơn, Bình Định) để tắm. Tại đây, 5 bạn nam nhảy xuống tắm và nghịch nước rồi bị trôi ra xa dẫn đến bị đuối nước.
Sáng 2-4, 3 em nhỏ gồm Đặng Ngọc Quân (SN 2007), Nguyễn Thọ Phượng (SN 2008) và Đặng Ngọc Hoàng (SN 2004) cùng trú tại xã Xuân Sơn,  Đô Lương, Nghệ An lùa bò ra khu vực đập Bàu Hàn để chăn.
Thấy con gà nước, Quân và Phương đuổi theo để bắt. Không may, hai em sa vào vùng nước sâu và bị chìm. Thấy hai em chới với, Hoàng dùng sào để cứu nhưng không được…
Điều này đặt ra trách nhiệm đối với công tác quản lý, giám sát, tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo về sự nguy hiểm, những nguy cơ dẫn đến đuối nước ở những khu vực sông suối, hồ đầm, bãi biển mà các học sinh thường lui tới, để các em có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình.
Tử thần rình rập ở các chung cư cao tầng
Còn nhớ vào cuối năm 2016, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy tại tòa nhà Rainbow khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khi một bé trai 6 tuổi đã rơi từ tầng 11 xuống mái tầng 2 tử vong.
ảnh 3
Một vụ trẻ tử vong khi ngã từ căn hộ chung cư
Trước nữa, tháng 8-2015, tại tòa NA4, khu bán đảo Linh Đàm một bé trai khoảng 8 tuổi rơi từ ban công tầng 10 xuyên qua mái tôn của quán café ở tầng 1, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Vào tháng 11-2015, tại chung cư CT2 Xuân Đỉnh cao 25 tầng (quận Bắc Từ Liêm), một bé trai 5 tuổi đã rơi từ tầng 22 xuống đất, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch...
Tất cả những vụ tai nạn thương tâm nói trên đều xảy ra khi người lớn đi vắng, để trẻ ở nhà một mình hoặc mải làm việc khác... cho thấy, sự bất cẩn của người lớn khi trông coi trẻ. Hậu quả là rất đau lòng.
Bé 6 tuổi lưỡi cháy đen vì điện giật
Cũng từ việc thiếu người lớn trông coi, có rất nhiều trẻ bị bỏng do điện giật, nước sôi, dầu ăn nóng; bị đứt tay do nghịch dao hay thậm chí là uống nhầm hóa chất...
Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa qua tiếp nhận cháu T (6 tuổi) lưỡi bị cháy đen và biến dạng sau khi nghịch phích cắm từ máy phát điện năng lượng mặt trời. Tai nạn xảy ra khi bố mẹ đi vắng, cháu T ở nhà một mình đã cầm chiếc phích nguồn của thiết bị phát điện cho vào miệng nên bị giật.
Liên quan đến tai nạn điện giật, em Nguyễn Văn D (15 tuổi, Phú Yên) bị bỏng tới 28%. Do nhà cúp điện, thời tiết nóng bức, lại vừa được nghỉ hè, T. nảy ra ý tưởng tự sửa điện. Không may, cậu bé bị giật, ngất xỉu, vùng ngực và cánh tay bị bỏng nặng.
ảnh 4
Những vụ ngộ độc hóa chất nếu không được phát hiện và sơ cứu kịp thời thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng
Một trường hợp đau lòng khác là cháu H. (17 tháng tuổi, ở Nghệ An) đã uống phải thủy ngân và tử vong sau đó do bị ngộ độc quá nặng
Theo lời kể của gia đình, bố mẹ đi làm hết nên để hai con ở nhà trông nhau. Trong lúc cầm lọ đựng tăm xung quanh chứa dung dịch có thuỷ ngân trang trí chơi, cháu H đã làm rơi vỡ lọ tăm. Do không biết nên cháu H. đã uống dung dịch thủy ngân này.
Bàng hoàng vụ diều khổng lồ cuốn bé 5 tuổi lên trời
Trong một vụ việc gây sốc hồi năm 2015, một bé trai 5 tuổi đang chơi tại cánh đồng diều nằm sát quốc lộ 22, thị trấn Hóc Môn, đã bị con diều dài khoảng 20 m cuốn lên trời. Khi ở độ cao hơn chục mét, cậu bé tuột ngã xuống đất và tử vong.
Con diều gây tai nạn của một câu lạc bộ đang diễn tập, chuẩn bị tham dự lễ hội diều ở Vũng Tàu. Bé trai được cho là đã đến gần con diều khi các thành viên câu lạc bộ căng dây, chờ gió đẩy lên.
Mọi người chỉ phát hiện khi bé trai đã bị dây cuốn vào chân, kéo lên cao. Ở khoảng cách hơn chục mét, nạn nhân bị rơi xuống đất. Dù được đưa vào bệnh viện huyện Hóc Môn ngay sau đó nhưng bé trai không qua khỏi.
Ngã khi leo cây và muôn vàn kiểu tai nạn khác
Sau khi được đưa vào cấp cứu, siêu âm cho thấy bé Nguyễn Văn Q. (9 tuổi, Lâm Đồng) bị xuất huyết nội, vỡ thận, và chấn thương ruột do ngã từ trên cây xuống. Người nhà của bé cho biết, Q. cùng các bạn đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Trong lúc leo hái xoài ở nhà một người bạn, Q. bị ngã từ trên cao 3m, đập người vào đá.
ảnh 5
Trò chơi trèo cây bắt tổ chim, hái quả... của trẻ cũng tiềm ẩn rủi ro cực cao
Bên cạnh đó các em còn chơi một số những trò chơi như: bắn súng cao su, trượt cầu thang, đánh nhau bằng que, đấu kiếm, nhảy ngựa, lộn dây thun, chơi khăng, trượt patin, phá tổ ong, rút ghế khi bạn khác đứng dậy...
Trẻ em thường rất hiếu động, tò mò, thích khám phá; chưa có ý thức và nhận thức được sự nguy hiểm của các trò chơi nguy hiểm hoặc sự nguy hiểm của việc mình làm trong khi chơi.
Đồng thời, trẻ chơi với một số trò chơi không đúng luật hoặc không theo đúng các quy định an toàn khi chơi cũng có thể gây nguy hiểm. Thể lực, sức khỏe, sự khéo léo và các phản xạ tự nhiên của trẻ phát triển chưa toàn diện đã góp phần cho các tai nạn thương tích xảy ra.
ảnh 6
Rất nguy hiểm khi để trẻ leo trèo như thế này
Các trò chơi nguy hiểm gây tai nạn thương tích cho trẻ em thường để lại những hậu quả xấu như bị gãy lưng, gãy cổ, gãy tay, gãy chân hoặc bị tổn thương các bộ phận khác ở trong cơ thể; có thể bị thương ở mắt làm hỏng mắt hay mù mắt.
Ngoài ra, tai nạn thương tích có thể làm chảy máu ở bên ngoài hoặc xuất huyết trong nội tạng; đập đầu xuống đất gây chấn thương sọ não. Trường hợp trẻ chơi đùa, chọc phá tổ ong cũng có thể bị hậu quả tai nạn thương tích do ong đốt.
Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ em đã mang lại những hậu quả rất lớn. Ngoài những thiệt hại về kinh tế, các em có thể bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động, làm chủ bản thân. Đây chính là những hệ lụy nặng nề và dai dẳng mà xã hội, gia đình cũng như bản thân các trẻ phải gánh chịu.
Vì thế việc tạo nơi vui chơi, an toàn cho trẻ trong dịp hè không chỉ là nhiệm vụ của một ngành nào mà là trách nhiệm của cả gia đình, cộng đồng và xã hội.  Phải có sự phối hợp chặt chẽ, có những hành động cụ thể thì chúng ta mới có thể tạo dựng được một môi trường an toàn cho trẻ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thì so với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần.Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%.
Tai nạn đuối nước đang gia tăng nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ đang thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước. Gần như ngày nào trên trên báo chí cũng có những thông tin về tai nạn đuối nước của trẻ em. Đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ chết đuối nước càng tăng cao.
Nguồn: http://anninhthudo.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618