ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Điêu khắc ngoài trời VN - tồn tại hay không tồn tại


Hội thảo khoa học "Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại" diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/5 do Viện Mỹ thuật tổ chức không chỉ bàn đến câu chuyện của điêu khắc mà còn liên quan tới việc quy hoạch cảnh quan không gian tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Điêu khắc ngoài trời là một giải pháp không gian, có vị trí rất quan trọng trong quy hoạch đô thị hiện đại. Nhưng nhìn vào diện mạo điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện nay, giới chuyên môn và các nhà nghiên cứu không khỏi băn khoăn về sự tồn tại và hiệu quả thẩm mỹ của các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật này.
"Có quá nhiều công trình chỉ đạt độ to mà không đạt chất lượng, làm tổn hại đến môi trường. Đó là lý do để hội thảo này được tổ chức…". Lời mào đầu của ông Lê Anh Vân, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật, đã “khai đao” cho một cuộc mổ xẻ mạnh mẽ và quyết liệt vào những tồn đọng của các công trình tượng đài, kiến trúc, điêu khắc đang đứng sừng sững tại các điểm vui chơi công cộng cũng như các di tích lịch sử hiện nay. Chỉ mới phát triển ở Việt Nam một thập kỷ nay nhưng muôn mặt "cái sự xấu" của hệ thống công trình điêu khắc ngoài trời đã trở thành một vấn đề cũ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh các tác phẩm kinh điển như Chùa Một cột, Tháp Chàm, nhiều người trong giới mỹ thuật không lý giải nổi sự tồn tại hiên ngang một cách bất hợp lý của rất nhiều tượng đài ở khắp các thành phố từ Nam ra Bắc. Họa sĩ Trịnh Cung nhận xét: “Tượng đài VN ít đề tài, ít phong cách, trùng lặp về mô tuýp, có cảm giác như đều cùng từ một lò điêu khắc mà ra”. Sự nghèo nàn về phong cách, đề tài đó được kiến trúc sư trẻ Nguyễn Trương Quý lý giải là do lối tư duy sáng tác tượng đài của ta “cũ, lỗi thời, tả thực, đi đâu cũng chỉ bắt gặp mỗi một kiểu là xếp hàng tiến lên”.

Tượng đài tại Gò Cao, Đà Nẵng.

Bản thân các tượng đài thô, xấu và cũ kỹ - giới mỹ thuật nhận trách nhiệm đó về mình nhưng theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao, tượng đài không chỉ là một thực thể tồn tại tự thân mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với quần thể kiến trúc bao quanh. “Thành công của tượng đài 50% là ở quy hoạch không gian bao quanh, 25% khối hình tượng đài và 25% là chất liệu hình khối điêu khắc”, ông nói. Nhưng trên thực tế, rất nhiều tượng đài đang bị các công trình xây dựng mọc lên san sát chực nuốt chửng, nếu không chúng cũng bị trưng dụng làm nơi họp chợ hoặc trở thành "căn cứ địa" cho hệ thống quán cóc. Tượng đài Quang Trung tại gò Đống Đa và tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi nằm trong nhóm tượng chịu số phận hẩm hiu này. Ở một mức độ bi đát hơn, họa sĩ Trịnh Cung đã coi Cột trụ hòa bình - tác phẩm đoạt huy chương bạc trong một triển lãm quốc tế tổ chức ở TP HCM năm 1962 - là tượng đài bị hắt hủi, khi ông phát hiện thấy tác phẩm này bị bỏ xó trong một quán ăn ở Viện Đại học Quốc gia. Nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội Nguyễn Vĩnh Chức từng phải thốt lên trên truyền hình: "Không có quy hoạch tượng đài, không biết lỗi tại ai".
Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Huế có khá nhiều vườn tượng nhưng hiệu quả thẩm mỹ và tác dụng mà các công trình này mang lại vẫn là điều khiến người trong cuộc quan tâm. Phản đối sự tồn tại của mô hình vườn tượng, họa sĩ Trịnh Cung cho rằng, mỗi bức tượng cần có một không gian riêng để phô bày vẻ đẹp tổng thể của nó, đằng này tại các vườn tượng, cứ cách 5-6 m người ta lại bày một cái, cứ như là các gian hãng thủ công mỹ nghệ cỡ lớn. Để chứng minh, ông kể, tại công viên Tao Đàn (TP HCM) hiện nay có khoảng 30-40 tượng đài được sản sinh ra từ một trại sáng tác, đang nằm dồn tụ vào một góc, người dân đi ngang qua coi đây là “nơi yên nghỉ nghìn thu của những bức tượng không có số phận”. Tuy nhiên, nhà phê bình mỹ thuật Phan Gia Hương lại cho rằng, phản đối sự tồn tại của vườn tượng nghĩa là chưa hiểu gì về loại hình này. Theo bà, vườn tượng là xu thế tất yếu của các đô thị hiện đại, vì vậy, “việc gì chúng ta phải làm, chúng ta cứ làm, còn phán xét thuộc về thế hệ sau”.

Một tác phẩm ngoài trời tại Tiergarten, Đức. (Ảnh: courses)

Bàn về những giải pháp cho hiện trạng điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại, kiến trúc sư Ngô Huy Giao và Nguyễn Trương Quý cho rằng, cần dừng ngay việc xây mới ồ ạt các tượng đài, không nên chi thêm tiền để làm ô nhiễm thêm cảnh quan đô thị. Thay vì xây mới, cần tổng kết và đánh giá lại những gì ta đã có. Bên cạnh đó, việc thuê các nhà thiết kế nước ngoài cũng là một giải pháp được bàn đến tại hội thảo.Tượng đài và vườn tượng vẫn liên tục mọc lên ngay bất cứ lúc nào tranh thủ được một không gian trống. Nguyên nhân được ông Trịnh Cung khẳng định: “Xây dựng tượng đài và vườn tượng là một áp phe làm ăn béo bở khiến cho ai cũng muốn nhào vào làm điêu khắc”. Chia sẻ với quan điểm của họa sĩ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng tính toán: “Bình quân (khiêm tốn) mỗi tượng đài tiêu tốn khoảng 5 tỷ đồng, như vậy, chi phí cho 200 tượng đài sẽ là 1.000 tỷ, trong đó có khoảng 500 tỷ thất thoát - một con số không hề nhỏ”. Đấy là chưa kể có những công trình sau khi hoàn thành lại tiếp tục phải gia cố vì sự cẩu thả trong quá trình thi công như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, hay những công trình đập đi xây lại như “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618