ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

BỨC TƯỜNG GỐM CÓ PHẢI CÁCH LÀM HAY


Chừng một tháng nay, người dân ở tổ dân phố 28 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã quen với việc báo chí, sinh viên liên tục đến hỏi thăm, phỏng vấn về “Tường gốm”. Hàng chục bài báo và phóng sự đưa tin cho rằng đây là một cách làm mới mẻ để làm đẹp cho thủ đô và loại bỏ “rác tường” vốn là vấn đề đau đầu của các phường. Rất nhiều ý kiến nêu quan điểm đó là mô hình cần nhân rộng một cách mạnh mẽ…

Bức tường gốm phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Rằng hay thì thật là hay
Bà Vũ Thị Bắc, 57 tuổi, là người đầu tiên thực hiện ý tưởng này. Xuất phát từ việc bức tường của lối ngõ luôn là tâm điểm của các quảng cáo, rao vặt, lăn sơn, khoan cắt bê tông, thông bể phốt, gia sư, việc làm, cho đến việc các cháu học sinh vẽ bậy,… bà Bắc nghĩ nếu làm một bức tranh tường thật đẹp thì sẽ không ai nỡ tay bôi vẽ lên đó nữa. Ý tưởng làm tranh gốm đến với bà vì bà thấy đẹp, giá thành không quá đắt. Khi làm xong thấy nhiều người tán thưởng nên bà Bắc đã vận động bà con trong ngõ mỗi nhà cùng làm một khoảng trước cửa nhà mình. Được sự tán đồng của đa số người dân trong tổ, lại được chính quyền cho phép, công việc nhanh chóng hoàn thành. Đến nay trong con ngõ của tố dân phố 28 đã có 28 bức tranh gốm trải dài theo 200m ngõ, choáng gần toàn bộ diện tích tường.Theo bà Bắc, gốm là một lựa chọn hàng đầu vì đó là chất liệu cổ truyền, mang tính dân tộc. Những mảng tranh với hình ảnh thân thuộc của Hà Nội như Khuê Văn Các, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn và không gian của làng quê Việt Nam. Nội dung mỗi bức tranh có thể khác nhau nhưng cùng tông màu, kích thước để đảm bảo sự đồng bộ.  Song song với mảng tranh hoạt cảnh phía trên là mảng hoa sen phía dưới vì theo bà hoa sen là Quốc hoa của Việt Nam. Hình ảnh  Khuê Văn Các và Vinh quy bái tổ được khu phố thống nhất đặt ở đầu ngõ đi vào với mong muốn gửi gắm những bài học, thông điệp giáo dục dành cho trẻ em ở đây. Với những bức tranh này, bà Bắc nghĩ các em không có điều kiện về làng quê sẽ biết được đâu là con trâu, cái cày, cây đa, bến nước. Người dân nơi đây thấy rõ bức tường sau khi ốp tranh đã không bị bôi bẩn, ngõ nhỏ phong quang sạch sẽ.
Tấm biển “Tổ dân phố số 28 (mới) – ĐƯỜNG TRANH GỐM”  được UBND phường Dịch Vọng Hậu dựng lên đầu ngõ như một sự tự hào của người dân nơi đây. Suốt một tháng nay con ngõ luôn có người đến xem tranh và đón tiếp báo chí đến xin phỏng vấn. Bà Bắc không giấu được niềm vui trong ánh mắt và mong muốn “Việc này sẽ được nhân rộng ra cả nước”!

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Thời gian gần đây Hà Nội luôn gặp phải những sự cố liên quan đến thẩm mỹ đô thị. Mới đây nhất, Thành phố đã tháo bỏ loạt đèn LED màu sắc trang trí trên các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh và xung quanh thảm cỏ Quảng trường Ba Đình. Và đặc biệt sự phản đối quyết liệt của công chúng về “Hoa rau muống” ở đài phun nước Quảng trường Đông kinh nghĩa thục, sau đó chính quyền Hà Nội phải cho dỡ bỏ sau vài ngày lắp đặt. “Con đường gốm sứ Sông Hồng” có lẽ là công trình dài hơi nhất và cũng gặp nhiều tranh cãi nhất quanh vấn đề “Đẹp hay không đẹp”, “Nên hay không nên”. Khởi động từ năm 2009, đến nay tổng chiều dài bức tranh đạt được đã trên 4km và vẫn tiếp tục được thi công song song với việc chống xuống cấp liên tục. “Con đường gốm sứ Sông Hồng” kẻ khen không ít, người chê cũng nhiều, nhưng nếu để đại diện cho thẩm mỹ, mỹ thuật của Thủ đô thì xem ra chưa ổn. Đồ gốm sứ và giá trị mỹ thuật của chúng là thành phần quan trọng của một nền mỹ thuật nói riêng và văn hóa nói chung. Hà Nội tự hào khi mang lên dưới lòng đất những tàn tích đất nung mà trên đó còn lưu giữ những vàng son một thuở. Những đầu rồng, phượng, mảng lá đề đất nung đồ sộ cho đến mảnh ngói ống hay bát đĩa vỡ từ thời Lý, Trần đều cho thấy đỉnh cao của thẩm mỹ dân tộc, được chọn làm biểu tượng cho Ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Nói vậy để thấy ở “Con đường gốm sứ”, gốm sứ chỉ là cách gọi mỹ miều cho những mảnh đất nung được tô màu lên đó đem ghép lại chứ giá trị lại không nằm ở chất liệu. Người dân đánh giá vẻ đẹp là đánh giá các bức tranh trên nền đó, chỗ nào màu sặc sỡ, hình ngộ nghĩnh hoặc nhiều hoạt cảnh vui nhộn có vẻ được thích thú hơn so với những chỗ hình khối kỉ hà, mảng to miếng lớn, chất liệu gốm sứ hoàn toàn không mang một tiếng nói nào ở đây. 
Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh) là nơi hàng ngày đưa ra thị trường những tranh gốm, phù điêu gốm, bình lọ được tạo tác các hình ảnh thôn quê, dân dã, con trâu cái cày hay Chí Phèo Thị Nở... mà ngày nay ta có thể gặp ở bất cứ hàng quán, khu sinh thái nào mang tiếng dân dã, dân tộc, đi liền với chúng là những mái tranh, máng nước giả cổ. Với giá thành không quá đắt và ngày càng rẻ, màu nâu đỏ của đất nung trên đó điểm xuyết những màu sắc trầm trầm, tối tối, những hình đắp không quá sắc nét dường như là lựa chọn “hay ho” cho những ai muốn đem một chút sắc thái dân tộc vào trong không gian kiến trúc. Với họ điều đó phần nào có sự sang trọng, vì gốm sứ nghe rất trang nhã, cổ giả, mà lại do các làng gốm nổi tiếng xưa nay làm ra. 
Vậy hãy đến khu dân cư 28 phố Duy Tân để chiêm ngưỡng bức tranh tường gốm. Vốn trước đây chỉ hiện diện trong không gian riêng tư, nay các mảng tranh gốm đã bước ra chiếm lĩnh không gian công cộng. Rõ ràng bức tường gốm này đã phát huy tác dụng của nó từ mục đích ban đầu là dọn “rác tường”. Tuy nhiên bản thân các bức tranh gốm này đã tự bộc lộ nhiều điểm yếu. Do nội dung bức tranh trên khoảng tường trước cửa mỗi nhà do gia chủ quyết định, vậy nên có thể thấy sự trùng lặp về chủ đề như cảnh Hồ Gươm, cảnh đồng quê, cảnh vinh quy, chen vào đó là bức cá chép trông trăng hay Khuê văn các. Người xem có thể đang dạo chơi Hồ Gươm sẽ bị kéo tuột về sông nước miền Nam rồi lại đập vào mắt cảnh cây đa bến nước, cờ đèn kèn trống, nội dung được sắp xếp lộn xộn. Xen giữa các bức tranh là hình đèn lồng kết dây rất lạc lõng. Nội dung các mảng tranh gốm: Tháp Rùa, Khuê văn các, vinh quy, cày cấy... như ý tưởng ban đầu muốn giúp các em thiếu nhi hiểu hơn về nông thôn, mục đích là giáo dục văn hóa và lịch sử. Đó là chủ ý tốt của cộng đồng tổ dân phố 28. Nhưng những bức tranh gốm này lại không đồng hành được với những ý tốt của bà con tổ dân phố 28 bởi chất lượng thẩm mỹ của tranh không được tốt về bố cục, tạo hình cảnh và người, chưa kể tới những sai sót về nội dung, thể hiện sự non yếu về trình độ thẩm mỹ, tay nghề của nghệ nhân và đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Nếu bày đặt những tác phẩm mỹ thuật nơi công cộng thì chúng ta cần nghiêm túc xem xét sự ảnh hưởng tới thẩm mỹ của cộng đồng vì nó hàng ngày tác động tới thị giác. Thẩm mỹ không tốt thì sự truyền tải nội dung sẽ khó có thể đạt được. Điều đáng chú ý là trong 200m tường tranh gốm ở tổ dân phố 28, thì có những khoảng tường hiện nay còn để trống không ốp tranh gốm, có 3 hộ gia đình không tham gia, theo chủ nhân những gia đình này thì họ không thích chất liệu và nội dung đó, họ muốn tìm kiếm một thứ gì đó khác vì “đó là những cái đầu tiên nhìn thấy mỗi khi chúng tôi mở cửa ra”…




Một số hình ảnh về bức tường và tranh gốm, tổ 28, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

“Nhân rộng thì sẽ không ổn chút nào….”
Việc những người dân tổ 28, phường Dịch Vọng Hậu tự bỏ tiền ra cải tạo, trang trí lại cho con ngõ nhà mình là một việc làm đáng hoan nghênh vì đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa vào các hạng mục mang tính công cộng. Việc làm này được sự ủng hộ của nhân dân, được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, được dư luận hoan nghênh, tuy nhiên vẫn gặp phải nhiều bất cập vì sao? Lý do gì những dự án trang trí đường phố, chăng đèn kết hoa đều với một mục đích muốn Thủ đô đẹp hơn nhưng đều gặp phải sự phản ứng, có khi phải thoái lui? Đó chính là vì thiếu sự tư vấn, đóng góp của các nhà chuyên môn. Chúng ta luôn muốn nâng cao mỹ quan đô thị, nhưng thật kỳ lạ là tính thẩm mỹ lại luôn là yếu tố được xếp sau cùng. Người dân thường chỉ nghe được ý kiến các chuyên gia khi sự việc đã đâu vào đấy, phần lớn các ý kiến phản biện lại là những phản đối muộn mằn, không những đã ảnh hưởng đến mỹ quan lại còn gây ra lãng phí và suy giảm lòng tin của người dân đối với các cấp quản lý. Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận “Thủ đô đã phải nhiều lần “rút kinh nghiệm” vì cách trang trí, làm đẹp ồ ạt, nhiều khi là tùy tiện. Những tuyến phố chằng chịt đèn hoa, “đồng phục” biển hiệu… khiến dư luận bất bình càng cho thấy cần thiết phải có sự tham gia của giới chuyên môn trong  bất cứ một xu hướng, trào lưu phát triển mang tính định hướng nào. Nếu cứ thấy công chúng tung hô đường tranh gốm mà ở đâu cũng đến để học hỏi, nhân rộng thì sẽ không ổn chút nào!”. Hà Nội là Thủ đô, vốn quy tụ được rất nhiều nhà chuyên môn, giới mỹ thuật, các trường đại học mỹ thuật, các cơ quan nghiên cứu mỹ thuật, lại gần gũi với các ban ngành quản lý, tức là đã có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều địa phương khác trong vấn đề tham vấn, xin ý kiến và chấn chỉnh các hoạt động mang tính văn hóa như trên. Hay thử tưởng tượng ở một thủ đô mà đi đến bất cứ con ngõ lối phố nào chúng ta đều bắt gặp sự lặp lại của những tranh gốm, đèn hoa, cờ quạt … một sự đơn điệu và rất có thể với một thẩm mỹ ngày càng đi xuống để rồi thay thứ “rác” này bằng một thứ “sẽ được coi là rác” khác.

 Giải pháp xóa những bức “tường rác”
Qua những sự kiện “đèn trang trí”, “quy định biển hiệu cửa hàng phố Lê Trọng Tấn” và “tường tranh gốm” vừa qua cho thấy Hà Nội đang lúng túng, bị động trong công tác làm đẹp đô thị. Chưa có một giải pháp hữu hiệu để thành phố đẹp hơn. Nạn “rác tường” khắp nơi. Tuy nhiều lần chính quyền Hà Nội và các cơ quan đoàn thể cùng cộng đồng dân cư quyết liệt ra tay, nhưng chỉ một thời gian ngắn “bệnh cũ tái phát” hoặc biến tướng sang một dạng thức mới. Để chống lại “rác tường” chính quyền Thành phố cần có biện pháp quyết liệt hơn, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn. Việc cải tạo tường của bà con Tổ dân phố 28 chỉ là giải pháp tình huống chứ không thể là giải pháp lâu dài, căn cơ nhằm giảm tệ “rác tường”, vì vậy nhân rộng mô hình này sẽ là điều không thể làm được bởi không phải mảng tường nào, địa bàn nào bà con cũng đồng thuận, dễ dàng cho việc làm những mảng tranh gốm (chưa bàn đến thẩm mỹ của những bức tranh). Trong điều kiện có mặt bằng, đủ kinh phí và sự đồng thuận của cộng đồng mong muốn làm đẹp những khoảng tường thì trước tiên chính quyền và hộ gia đình nên tìm đến những chuyên gia về kiến trúc và mỹ thuật nhằm tìm giải pháp. Như bà Bắc nói “ý tưởng ban đầu của tôi là trồng một bức tường trúc”, đó là ý tưởng rất tốt, nhưng do sợ không chăm sóc được nên dùng giải pháp ốp gốm. Hiện nay ở Hà Nội và nhiều nơi, người dân đã tạo ra những bức tường đẹp chống lại bôi bẩn, dán quảng cáo rất hiệu quả… Trồng cây leo tường là giải pháp hữu hiệu. Cây vẩy ốc, cây thằn lằn là loại cây bám tường không cần nhiều đất, chịu khô hạn, rễ cây bám nông rất phù hợp cho việc tạo ra bề mặt tường đẹp, xanh, ít phải chăm sóc, chống “rác tường” rất hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nếu có nhu cầu trang trí bằng vật liệu bền vững thì chủ nhà có thế sử dụng gốm, sứ hoặc các chất liệu đá. Tuỳ thuộc vào không gian và kinh phí để lựa chọn giải pháp phù hợp. Bề mặt tường nhà, ngõ, xóm... nằm trong không gian công cộng, hàng ngày tác động tới thị giác và thị hiếu thẩm mỹ của nhiều người, vì vậy khi thực hiện việc bày đặt tranh, tượng hoặc những gì liên quan tới mỹ thuật thì cần có sự tham vấn của các chuyên gia như hoạ sỹ, nhà điêu khắc hoặc kiến trúc sư, nhằm tìm giải pháp phù hợp cho công trình.

Bức tường trồng cây vẩy ốc của nhà họa sỹ Phạm An Hải, nhà số 3, ngõ 15, Tây Hồ, Hà Nội

Bức tường trồng cây leo rủ. Ảnh: Internet

Bức tường trồng cây trang trí phủ kín. Ảnh: Internet

Bức tường gốm ở Tổ dân phố 28 này đã tồn tại được 2 năm nay một cách thầm lặng (từ 2014) và chỉ được chú ý rộng rãi trong 1 tháng trở lại đây khi có một nhà báo phát hiện kéo theo các kênh truyền thông. Chúng ta lại một lần nữa ý thức hơn về sức mạnh của truyền thông trong việc tạo các luồng dư luận, đặc biệt trong vấn đề văn hóa. Qua hàng loạt bài báo về “Tường gốm” tổ dân phố 28, các ý kiến đều chỉ được lấy từ phía người dân trong lối ngõ hoặc dân cư xung quanh, ý kiến các chuyên gia, họa sỹ, kiến trúc sư đều không được đề cập. Điều này ảnh hưởng đặc biệt tới quan điểm của dư luận, vì những công trình công cộng không thể chỉ tiếp thu ý kiến của người dân mà bỏ qua ý kiến chuyên môn. Từ việc “Tường gốm” ở Tổ dân phố 28, phương Dịch Vọng Hậu, các nhà quản lý càng phải thận trọng hơn trong việc tiếp nhận dư luận và đưa ra các quyết sách hợp lý để chấn chỉnh và làm đẹp hơn bộ mặt văn hóa của Thủ đô.

Nguồn: http://www.ape.gov.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618