ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

TRIỂN LÃM “MỞ CỬA” BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG HOẠT ĐỘNG MỸ THUẬT 30 NĂM THỜI KỲ ĐỔI MỚI


Ngày 21/9/2016, Triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986 - 2016) do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã gửi lẵng hoa chúc mừng Triển lãm; Tới dự Lễ khai mạc có sự hiện diện của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên; Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương; Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO Bộ Ngoại Giao Phạm Sanh Châu; Đại sứ các nước Ba Lan, Slovakia, Lào, Mỹ, Hà Lan; cùng các đại biểu, các nghệ sỹ, người xem trong và ngoài nước…

Cắt băng khai mạc Triển lãm “Mở cửa”, 21/9/2016

Triển lãm trưng bày tác phẩm của 49 nghệ sỹ tạo hình có dấu ấn nghệ thuật trong 30 năm từ 1986 - 2016. Với sự đa dạng về nội dung, ngôn ngữ thể hiện, phản ảnh đa chiều đời sống xã hội Việt Nam đương đại, triển lãm là dịp nhìn nhận, đánh giá thành tựu của mỹ thuật Việt Nam, tôn vinh một thế hệ nghệ sỹ, đồng thời giúp công chúng có một cái nhìn khái quát về sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam.
30 năm qua, đất nước đã có nhiều thành tựu kinh tế, xã hội và có những bước tiến quan trọng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Từ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976, các nghệ sỹ tạo hình đã có thay đổi, xuất hiện nhiều phong cách và bút pháp mới...  Trong nửa cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 hình thành một lực lượng trẻ còn gọi là “thế hệ vàng của mỹ thuật Việt Nam trước Đổi mới” như Lương Xuân Đoàn, Đặng Thị Khuê, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Lê Anh Vân, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Lê Huy Tiếp, Đỗ Sơn, Đỗ Thị Ninh, Mai San, Lò An Quang, Mai Văn Kế, Đặng Thu Hương,... các họa sỹ giai đoạn này đã bộc lộ cá tính, có nhiều tìm tòi và sáng tạo trong việc thể hiện ngôn ngữ tạo hình. Nhưng sự chuyển mình mạnh mẽ nhất của mỹ thuật Việt Nam hiện đại thì phải từ Đại hội VI của Đảng và sau đó là Nghị Quyết Trung ương 5 ra đời đã là động lực cho văn học nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng bước sang chặng đường mới.

Thứ trưởng Vương Duy Biên xem Triển lãm “Mở cửa”

Trong 30 năm qua (1986-2016), mỹ thuật Việt Nam hiện đại đã có một đội ngũ nghệ sỹ trình độ, bản lĩnh và dấu ấn cá nhân đóng góp quan trọng vào sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt đã được bạn bè trong khu vực và thế giới quan tâm, đánh giá cao. Nhiều hoạ sỹ, nhà điêu khắc tham gia các sự kiện nghệ thuật lớn của châu Á và thế giới, tác phẩm của các nghệ sỹ Việt Nam có trong sưu tập bảo tàng nghệ thuật ở Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore... tham gia vào các cuộc đấu giá tác phẩm do các Nhà đấu giá lớn thế giới tổ chức.
Ngoài các triển lãm mỹ thuật định kỳ như: Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc, triển lãm mỹ thuật chuyên đề về chất liệu hoặc đề tài… thì đây là Triển lãm có tính chất nhìn nhận, đánh giá, tổng kết giai đoạn của 30 năm thời kỳ Đổi mới. Nhìn lại chặng đường 30 năm, thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật trong giai đoạn tiếp theo.

Đổi mới phương thức tổ chức
Triển lãm “Mở cửa” là sự kiện mang tính tổng kết, vinh danh các nghệ sỹ tạo hình trong 30 năm thời kỳ Đổi mới, tính chất của Triển lãm này khác với những Triển lãm định kỳ như Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (Toàn quốc, 5 năm 1 lần); Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc (10 năm một lần); Festival Mỹ thuật Trẻ (3 năm 1 lần) và một số các triển lãm mỹ thuật khác. Vì vậy, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã quyết định đổi mới phương thức tổ chức, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kích thích, động viên nghệ sỹ, tạo hiệu ứng xã hội và nhằm rút kinh nghiệm cho công tác tổ chức các hoạt động mỹ thuật khác:


Giám tuyển nghệ thuật:
Công việc tuyển chọn nghệ sỹ tham gia Triển lãm “Mở cửa” do 3 cán bộ của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đảm trách.
Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm;
Nhà báo, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh;
Họa sỹ Phạm Hà Hải, Chuyên viên Phòng Mỹ thuật Ứng dụng và Triển lãm;
03 Giám tuyển lên phương án tổ chức Triển lãm, chọn lựa và đề cử nghệ sỹ, làm việc, tiếp xúc với các nghệ sỹ. Các Giám tuyển chịu trách nhiệm về lựa chọn nghệ sỹ tham gia.
Đây là quyết định đột phá trong tổ chức, bởi từ lâu, chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn trong các cuộc Triển lãm thường là vài đơn vị, và tập thể Hội đồng nghệ thuật. Với Triển lãm “Mở cửa”, Cục và các cá nhân tham gia tuyển chọn gánh trách nhiệm trực tiếp, công khai ngay từ đầu.

Chủ động mời nghệ sỹ tham dự Triển lãm:
Các triển lãm khác đều theo phương thức tổ chức: gửi thông báo, thể lệ và thông tin đến nghệ sỹ, sau đó tác giả gửi tác phẩm đến tham dự. Triển lãm “Mở cửa” trên danh sách lựa chọn căn cứ vào 02 tiêu chí:
1/ Tư duy sáng tạo mới;
2/ Dấu ấn và bản sắc cá nhân.
Nghệ sỹ là người thật sự có tư duy đổi mới trong nghệ thuật và thể hiện được nó, thông qua những tác phẩm của mình. Tác phẩm của họ phải thể hiện rõ nét, dấu ấn và bản sắc riêng biệt của cá nhân.
Căn cứ trên tiêu chí, nhóm Giám tuyển làm việc độc lập, khách quan, trong việc đề cử và thống nhất danh sách. Giám tuyển đã dành nhiều thời gian cùng nhau thảo luận, đánh giá, trao đổi về từng nghệ sỹ trong danh sách đề cử là 80 nghệ sỹ, cuối cùng thống nhất danh sách mời là 50 nghệ sỹ. Các yếu tố vùng miền, địa phương, độ tuổi, loại hình, chất liệu, giới tính, nghệ sỹ tự do hay thuộc tổ chức không là căn cứ để lựa chọn.
Để chốt được danh sách nghệ sỹ mời tham gia là điều hết sức khó khăn đối với các Giám tuyển, bởi trong 30 năm qua, số lượng họa sỹ thành đạt và đóng góp cho sự phát triển của mỹ thuật khá nhiều. Nghệ sỹ Vũ Dân Tân (1946-2009) là một trong những nghệ sỹ được các Giám tuyển thống nhất mời tham gia. Đây là nghệ sỹ đã có những đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đầu của Đổi mới. Vũ Dân Tân tham dự nhiều triển lãm quốc tế nhưng anh chưa từng có mặt trong một triển lãm chính thống do nhà nước tổ chức. Họa sỹ Trương Tân (s.1963) và Trần Trọng Vũ (s.1964) cả hai đang sống và làm việc tại Pháp, họ đều tham gia vào giai đoạn mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Hiện nay cả hai đều thường xuyên tham gia các chương trình nghệ thuật, triển lãm ở Việt Nam. Khi nhận được lời mời tham dự Triển lãm “Mở cửa” hai anh đều nhiệt tình tham gia. Họa sỹ Trương Tân, Trần Trọng Vũ đã về nước gặp trực tiếp giám tuyển và trao đổi về việc thực hiện tác phẩm để bày trong Triển lãm “Mở cửa”.

Trần Trọng Vũ, Mở cửa, sắp đặt vải nhựa, 2016

Trong triển lãm “Mở cửa”, công chúng thấy thiếu vắng những nghệ sỹ thuộc loại hình nghệ thuật như trình diễn, video art… Đây cũng là điều mà các Giám tuyển trao đổi rất kỹ để đề cử nghệ sỹ, nhưng trong suốt 30 năm qua các nghệ sỹ thực hiện các loại hình nghệ thuật này đều dừng lại ở mức thử nghiệm, chưa liền mạch, dấu ấn của các phẩm về loại hình mới này chưa thực sự đọng lại để trở thành tác giả, tác phẩm tiêu biểu, vì vậy trong Triển lãm “Mở cửa” thiếu vắng một số loại hình nghệ thuật này. Đây cũng là thực trạng của mỹ thuật Việt Nam 30 năm qua. Hy vọng sau Triển lãm “Mở cửa” Cục MTNATL sẽ nghiên cứu tiến hành sự kiện khác dành riêng cho các tác giả sáng tác loại hình nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art…

Tiếp xúc nghệ sỹ:
Các Giám tuyển đã tiến hành tiếp xúc nghệ sỹ nhằm trao đổi, nắm bắt thông tin của các tác giả về những vấn đề liên quan… tìm hiểu tư duy tác động đến con đường sáng tác của nghệ sỹ… những thuận lợi và khó khăn của nghệ sỹ. Những tư liệu trong quá trình tiếp xúc với nghệ sỹ đã tập hợp thành bộ hồ sơ về tác giả, tác phẩm của các nghệ sỹ Triển lãm “Mở cửa” phục vụ công tác truyên truyền và xuất bản sách sau này.
Trong quá trình làm việc, phần lớn các họa sỹ, nhà điều khắc đều nhiệt tình phối hợp với các Giám tuyển nhằm hoàn thiện hồ sơ tác giả. Có nhiều nghệ sỹ đã cung cấp thông tin, tư liệu về giai đoạn đổi mới, trao đổi những quan niệm sáng tác, bày tỏ những vấn đề của mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới hoặc có những đánh giá, nhận định về tác giả, tác phẩm của mỹ thuật Việt Nam 30 năm qua.
Các nghệ sỹ tham gia Triển lãm đều là những người say mê sáng tác, có sức làm việc và sáng tạo lớn, thể hiện tính chuyên nghiệp cao, có bề dày trong lao động nghệ thuật, nhiều thành tựu trong sáng tác cũng như công bố tác phẩm ở trong nước và quốc tế. Các nghệ sỹ luôn có ý thức và trách nhiệm công dân, ý thức và trách nhiệm nghệ sỹ với xã hội, với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập. Luôn trăn trở cho sự phát triển mỹ thuật.

Tác phẩm tham dự Triển lãm:
Dự kiến ban đầu mỗi tác giả bày 03 tác phẩm để thấy quá trình sáng tác của từng tác giả, nhưng do địa điểm trưng bày không đáp ứng được nên Ban Tổ chức quyết định mỗi nghệ sỹ gửi 01 tác phẩm.
Trên tinh thần đổi mới, dân chủ và tôn trọng nghệ sỹ, Cục để các tác giả tự lựa chọn tác phẩm của mình gửi tham gia Triển lãm, không giới hạn nội dung chủ đề, chất liệu, loại hình nghệ thuật, thời gian sáng tác.
Đây là Triển lãm nhằm vinh danh tác giả, vì vậy Cục để các tác giả tự lựa chọn tác phẩm gửi triển lãm, tự chịu trách nhiệm với sự chọn lựa của mình.
Trong triển lãm người xem thấy được cảm xúc tươi mới và nội lực của họa sỹ Trần Lưu Hậu ở tuổi 88; sự thay đổi và sức sáng tạo của họa sỹ Nguyễn Trung, Nguyễn Quân, Hồ Hữu Thủ, Lê Anh Vân trong 30 năm qua; thấy được dấu ấn của Đỗ Sơn, Thành Chương, Bảo Toàn, Phan Cẩm Thượng trong phong cách tạo hình dân gian đương đại; được gặp những gương mặt nghệ sỹ trẻ thời đầu Đổi mới như Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Trung Tín, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Lê Thiết Cương, Đào Châu Hải, Phan Phương Đông,  Đinh Quân, Đỗ Minh Tâm, Trương Tân, Trần Trọng Vũ, Phạm An Hải, Đinh Ý Nhi, Nguyễn Hải Nguyễn, Lê Thừa Tiến… nghệ thuật của họ vẫn trẻ trung chứa đựng nhiều trải nghiệm; Trong triển lãm có sự hiện diện của thế hệ nghệ sỹ đàn em tiếp nối, đây là thế hệ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn “đổi mới - hội nhập”, sáng tác của các nghệ sỹ thế hệ này đa dạng, có nhiều sắc thái, phản ánh đa diện cuộc sống đương đại như: Vương Văn Thạo, Đào Quốc Huy, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Minh Thành, Phạm Bình Chương, Vũ Đình Tuấn, Ly Hoàng Ly, Trần Việt Phú, Lê Lạng Lương, Khổng Đổ Tuyền, Nguyễn Mạnh Hùng, Lý Trần Quỳnh Giang; Thái Nhật Minh (s.1984) là nghệ sỹ trẻ nhất trong “Mở cửa”. So với các nghệ sỹ cùng thế hệ 8x thì Thái Nhật Minh đã bộc lộ tư duy tạo hình và giải pháp chiếm lĩnh không gian điêu khắc, làm việc chuyên nghiệp, có tư duy sáng tác và có quan điểm thẩm mỹ rõ ràng. Thái Nhật Minh là nghệ sỹ được các Giám tuyển tin tưởng đặt nhiều kỳ vọng.

Trương Tân, Tình yêu & tình yêu, bê tông, (40x50cm)x3, 2016

Tác phẩm trong Triển lãm “Mở cửa” phong phú về loại hình và chất liệu, phản ánh thành tựu của các tác giả thời kỳ Đổi mới. Bút pháp và hình thức thể hiện đa dạng, tư duy tạo hình sâu sắc. Các nghệ sỹ đều thể hiện rõ bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp, khi chọn lựa tác phẩm gửi trưng bày.

Ngày khai mạc, Triển lãm “Mở cửa” đông như trẩy hội, ngoài giới mỹ thuật đến dự, người ta còn thấy sự hiện diện của các văn nghệ sỹ, các học giả, nhà phê bình thuộc các ngành nghệ thuật khác. Bên cạnh bạn bè, đồng nghiệp của các họa sỹ còn có các nhà sưu tập nước ngoài và công chúng yêu  nghệ thuật. Trong các ngày từ ngày 21 đến 28 tháng 9 công chúng đến xem rất đông. Sự đông đúc tại triển lãm mỹ thuật như Triển lãm “Mở cửa” là điều hiếm gặp trong tình hình chung của các cuộc triển lãm trong nước.

Họa sỹ, Nhà PBMT Nguyễn Quân đại diện các nghệ sỹ tham gia Triển lãm phát biểu trong lễ khai mạc

Đã nhiều năm nay, các sự kiện mỹ thuật thiếu vắng nghệ sỹ có tên tuổi tham gia, nhưng tại Triển lãm “Mở cửa” đã quy tụ đông đảo gương mặt ấn tượng của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tâm thế của người tham dự, người đến xem triển lãm đều hồ hởi, thích thú bởi chất lượng tác giả/tác phẩm Triển lãm. Mỹ thuật thời kỳ Đổi mới đã được xác lập và nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí, như tấm gương phản chiếu vào đời sống mỹ thuật hôm nay, đặc biệt là thế hệ nghệ sỹ trẻ. Sự mạnh dạn và quyết tâm của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trong việc đổi mới phương thức tổ chức đã làm nên thành công cho Triển lãm “Mở cửa” – đáp ứng sự mong mỏi thay đổi cách tổ chức của giới chuyên môn và công chúng. Tuy còn một số vấn đề chưa trọn vẹn, có thể chưa phù hợp và thỏa mãn với một bộ phận công chúng, nhưng dấu ấn “Mở cửa” thực sự cho thấy hiệu quả của cách làm mới, của mỹ thuật Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.           

Nguồn: http://www.ape.gov.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618