ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Tọa đàm sơn mài Việt Nam từ truyền thống đến đương đại


Ngày 23/4/2016 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Sơn mài Việt Nam từ truyền thống đến đương đại. Đây là một hoạt động văn hóa nằm trong chuỗi trương trình chủ đề “Chuyện sơn mài Việt Nam” giới thiệu một cách khái quát về nghề truyền thống sơn mài do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức. 
Tham dự buổi tọa đàm có ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại UNESCO, Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam; Bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; Bà Cao Thu Hà, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hoàn Kiếm, Bà Trần Thúy Lan, Trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, cùng nhiều họa sỹ, nhà nghiên cứu và nghệ nhân sơn mài Việt Nam.Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã mời những chuyên gia về sơn mài Việt Nam là họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, họa sỹ Lý Trực Sơn; ông Nguyễn Đình Bảng, Trưởng Khoa Mỹ nghệ Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội và Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội Làng nghề Sơn mài Việt Nam tới tham dự và chủ trì buổi tọa đàm. 
Mở đầu buổi tọa đàm họa sỹ Lý Trực Sơn và ông Nguyễn Đình Bảng đã lần lượt  giới thiệu, khái quát chung về sơn mài, nguồn gốc và nguyên liệu cũng như kỹ thuật chế tác. Ở Việt Nam, cây sơn là một cây nguyên liệu quý . Trong đó, chất sơn lấy từ cây sơn vùng Phú Thọ, Yên Bái của Việt Nam còn gọi là sơn ta, một trong các loại nhựa sơn tốt nhất trên thế giới. Từ nhựa của cây sơn này đã hình thành trong lịch sử văn minh người Việt nghề sơn truyền thống. Trải qua nhiều thế hệ, nghề sơn đã đóng góp rất nhiều cho đời sống của người Việt, trong suốt quá trình lịch sử dân tộc, từ những vẻ đep cổ kính của các di tích đình chùa, cung, miếu xa xưa đến những tác phẩm mỹ thuật hội họa, đồ mỹ nghệ trang trí, gia dụng ngày nay. Theo ông Nguyễn Đình Bảng hiện nay phương châm đào tạo về sơn mài của Trường Trung cấp nghề Hà Nội là bảo tồn nguyên vẹn công nghệ kỹ thuật và nguyên liệu truyền thống.

 
Họa sỹ Lý Trực Sơn chia sẻ: Sơn ta là một chất liệu quý, đẹp và hiếm, quá trình thực hiện từ chất liệu sơn ta khá khó khăn tạo sự thử thách lớn với người thực hiện. Hiện nay, các công trình phục dựng, trùng tu di tích ngày càng nhiều nhưng chưa có ai giám sát hay khuyến khích việc ứng dụng nghề truyền thống, để phục chế, phục dựng các sản phẩm văn hóa truyền thống, sơn ta hoàn toàn lép vế và thất bại trước sơn công nghiệp dù chất lượng sơn công nghiệp chỉ sau vài năm đã không còn giữ được màu sắc như trước.

Chiến lược nào để cây sơn có thể phát triển? 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bảng, Trưởng Khoa Mỹ nghệ Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội cho biết: Tại Việt Nam, hiện nay chưa có sự nghiên cứu cụ thể nào về chất lượng sơn cũng như không có doanh nghiệp nào  đứng ra ổn định về chất lượng sơn mài, nhìn chung Việt Nam là nước kém trong quá trình bảo tồn truyền thống do việc bán sơn ta sang nước khác và dùng sơn Nhật, nhà nước cũng chưa có chủ trương bảo hộ hay không có bộ phận nào đủ thẩm quyền về bảo tồn và các nghề truyền thống, vì vậy muốn cây sơn phát triển được trong thị trường hiện nay thì trước hết phải đầu tư vào chất lượng cây sơn đồng thời kêu gọi sự can thiệp và bảo hộ của nhà nước về vấn đề trồng và phát triển cây sơn.
Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam đã có những trao đổi ngắn gọn về thị trường sơn mài tại Việt Nam hiện nay, ông chia sẻ: Đầu những năm 60, nghề sơn mài Việt Nam rất phát triển, tại làng Hạ Thái đã thành lập hợp tác xã sơn mài Bình Minh làm ra những sản phẩm sơn mài xuất khẩu sang nước ngoài, thời điểm đó nguồn ngoại tệ sơn mài đem về cho Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên đến năm 1991, thị trường sơn mài mất dần và suy yếu, tại thời điểm hiện nay, ở miền Bắc chỉ còn 1, 2 làng nghề còn tồn tại như làng Sơn Đồng chuyên về phục chế làm tượng, hay làng sơn mài Hạ Thái chuyên về xuất khẩu. Từ đó cho thấy sự quan tâm của nhà nước còn rất nhiều hạn chế, 90 % chủ doanh nghiệp phải tự đầu tư để tham gia thị trường nội địa, Nhìn từ góc độ Quản lý nhà nước có thể thấy các doanh nghiệp sơn mài chưa có được sự hỗ trợ cũng như chưa có những định hướng lớn mang tầm quốc gia về bảo tồn và phát triển nghề sơn mài. Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Hùng Chiêu cũng nói lên mong muốn nhà nước sẽ có những chủ trương kết hợp với làng nghề, đồng thời có sự đầu tư hỗ trợ và quan tâm hơn nữa tới ngành sơn mài.

Sử dụng và phát triển tác phẩm sơn mài truyền thống như thế nào? 
Đây là câu hỏi được nghệ nhân làng nghề Hạ Thái trao đổi trong buổi tọa đàm.Theo nghệ nhân về mặt khó khăn đó là nguồn cung cấp nguyên liệu (chất liệu sơn) còn hạn chế, độ sơn không đảm bảo, độ bóng kém để cho ra đời một sản phẩm lâu bền, đẹp về mặt thẩm mỹ và chất lượng. Nếu như trước đây sơn ta do nhà nước quản lý thì hiện tại chủ yếu là nguồn cung cấp từ cá nhân do đó muốn có nguyên liệu sơn tốt phải có nhiều tiền vốn vì vậy nghệ nhân làng nghề mong muốn các nhà quản lý có phương pháp nhập nguyên liệu tốt để sự dụng đồng thời có biện pháp để các sản phẩm sơn mài được đưa ra thị trường trong nước cũng như quốc tế nhiều hơn.  Nghệ nhân cũng đưa ra nguyện vọng mong muốn nhà nước có phương hướng để phát triển, bảo tồn nghề sơn mài, có định hướng và sự liên kết cụ thể giữa Hội sơn mài Việt Nam và các tổ chức làng nghề,các họa sỹ được đào tạo bài bản, có trình độ sáng tác cao sẽ kết hợp nhiều hơn với các nghệ nhân làng nghề truyền thống để cho ra những sản phẩm đẹp, có tính thẩm mỹ cao.

 
Sơn mài Việt Nam, con đường đến di sản
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO Bộ  Ngoại giao, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam cho biết vừa qua Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch VN cùng xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO ghi danh nghệ thuật sơn mài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trước lời đề nghị này, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham gia hợp tác xây dựng hồ sơ. Theo đó, phía Hàn Quốc cho biết khả năng sẽ có sự tham gia của cả Trung Quốc và Nhật Bản. Như vậy, hồ sơ có thể được xây dựng bởi 4 quốc gia tiêu biểu có nghề sơn mài truyền thống lâu đời và phát triển. Ông Phạm Sanh Châu cũng có những câu hỏi đặt ra cụ thể trong hồ sơ đệ trình lên UNESCO chúng ta sẽ phải xem xét những yếu tố cần và đủ trong việc xét duyệt  đó là: Nếu Nghề sơn mài Việt Nam được công nhận là di sản Thế giới thì họ sẽ tôn vinh là làng nghề nào ? 
Làng nghề này có đóng góp vào sự đa dạng văn hóa của nhân loại hay không? Sự khác biệt giữa sơn mài Việt Nam và sơn mài các nước khác như thế nào?  về chất liệu và quy trình? Sơn mài Việt Nam có tính cộng đồng hay không? Có sự truyền nghề, kế thừa từ đời này qua đời khác hay không? 
Trao đổi về những vấn đề trên, ông Đỗ Hùng Chiêu đã có những chia sẻ: “Nói về sơn mài không thể không nói đến chất liệu sơn, chất sơn được lấy từ cây sơn của vùng Phú Thọ, Yên Bái Việt Nam được gọi là sơn ta, là một trong các loại nhựa sơn có chất lượng tốt nhất trên thế giới. Chất sơn Việt Nam khác với các nước khác ở sự độc đáo, khi sử dụng sơn ta đòi hỏi người nghệ sỹ phải có sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chau chuốt vì sơn ta ít màu sắc nên dễ dàng tạo ra sự đặc biệt trong từng tác phẩm. Mặc dù tại một vài nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản… cũng có những sản phẩm sơn mài nhưng những đồ dùng hoặc vật dụng trang trí mỹ nghệ sơn mài đó hoàn toàn khác với tranh sơn mài của Việt Nam. Sự khác biệt đó nằm ở kỹ thuật chế tác sơn cũng như các vật liệu được sử dụng.  Mặt khác, Nghề sơn mài Việt Nam được truyền từ đời này sang đời khác nên có tính cộng đồng cao, từ nghề thủ công truyền thống đã phát triển sang nghề thủ công mỹ nghệ, cao hơn là nghệ thuật tạo hình hiện đại (tranh sơn mài) với các giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.” Theo ông Đỗ Hùng Chiêu, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay để trình UNESCO công nhận sơn mài là Di sản Thế giới đó là gìn giữ được nghề sơn mài truyền thống mà trước hết phải bảo tồn vùng nguyên liệu, ông cũng mong muốn các nhà quản lý có chính sách bảo tồn, hỗ trợ cho những người trồng sơn, đồng thời khuyến khích bảo tồn về mặt kỹ thuật đối với các nghệ nhân làng nghề.
Khép lại buổi tọa đàm, ông Phạm Sanh Châu đã gửi lời cảm ơn tới Ban Quản lý di tích Phổ cổ đã tổ chức buổi tọa đàm với những ý kiến, đối thoại đa chiều mang tới nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt, cần có nhiều hơn nữa những buổi hội thảo ý nghĩa, hiệu quả như vậy. Buổi tọa đàm cũng góp tiếng nói chung của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân và họa sỹ, mong muốn cho nghề sơn mài được công nhận là di sản thế giới. Tọa đàm Sơn mài Việt Nam từ truyền thống đến đương đại là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống nói riêng và các nghề truyền thống nói chung. Trong tương lai, nếu nghề truyền thống sơn mài Việt Nam cùng Hàn Quốc và Nhật Bản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đây chính là hoạt động thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ quốc tế về vấn đề bảo vệ di sản của Việt Nam.

Nguồn Website http://www.ape.gov.vn

TRUNG TÂM MỸ THUẬT TƯ DUY NÉT NGỘ
Trụ sở:    61 Đường D5, P. 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Cơ sở 1: 111 Nguyễn Thái Sơn, P.4, Quận Gò Vấp, TPHCM
Email: mythuatnetngo@gmail.com
Điện thoại: 090.264.1618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618