ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

ĐÀO CHÂU HẢI: ĐIÊU KHẮC VIỆT NAM ĐÃ TỰ ĐỔI MỚI TỪNG NGÀY!


Phỏng vấn Nhà ĐK Đào Châu Hải
Phạm Long thực hiện


ĐÀO CHÂU HẢI, một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới (từ 1990 đến nay), đã đạt được những thành tựu nhất định ở  nhiều chất liệu khác nhau và cũng trải qua nhiều khuynh hướng, từ hiện thực và biểu hiện thời kỳ đầu – chịu ảnh hưởng của điêu khắc Xô viết và Chủ nghĩa kiến tạo Nga - cho tới xu hướng trừu tượng hình học rồi nghệ thuật ý niệm ở những sáng tác giai đoạn gần đây. Trong bối cảnh nền điêu khắc Việt Nam thiếu sức sống, ông là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc thép hàn, truyền nhiều cảm hứng cho cả một thế hệ nghệ sỹ trẻ. Đến thăm ông nhân dịp chuẩn bị tác phẩm tham dự cuộc triển lãm “Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới” vào tháng 9/2016, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn tại xưởng điêu khắc cá nhân nằm trên vùng đồi trung du Phú Thọ, cách Hà Nội 80 cây số.

NĐK Đào Châu Hải. Ảnh: Bá Khanh


- Thưa ông, chưa bao giờ mỹ thuật Việt Nam có một đội ngũ nghệ sỹ đông đảo như bây giờ, nhưng nhìn vào thực trạng, so với bạn bè khu vực và thế giới, phải thừa nhận rằng trên vũ đài nghệ thuật toàn cầu hiện nay, chúng ta vẫn luôn chỉ “có tiềm năng” mà chưa đạt được vị thế tương xứng. Với con mắt nghề nghiệp và kinh nghiệm bản thân, ông có nhận xét gì về 30 năm của “mỹ thuật Việt Nam đổi mới”?

NĐK Đào Châu Hải: Tôi cho rằng bản chất của sáng tạo nghệ thuật là đổi mới. Nhìn lại lịch sử tạo hình của nhân loại: các phong cách, khuynh hướng, trào lưu, chủ nghĩa, v.v … thực chất là tiến trình của “đổi mới”, đổi mới về nhận thức thị giác, quan niệm thẩm mỹ, ý tưởng và hình thức nghệ thuật nói chung. Nhưng cũng không ở đâu trên thế giới này, nghệ sỹ phải chờ từ ai đó phát ra mệnh lệnh “đổi mới” thì mới sáng tạo. Các họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân … luôn sáng tạo, đổi mới mà không cần một chỉ thị nào. Theo tôi, cụm từ “Đổi mới” được hiểu theo nghĩa “Art-doimoi” là không cần thiết, thậm chí nực cười.
Ngày hôm nay, nhìn lại, và nhận xét gì về 30 năm của “mỹ thuật Việt Nam đổi mới” thì thật là khó với tôi, bởi tôi không phải là người làm công tác nghiên cứu lịch sử mỹ thuật. Nhưng chắc chắn rằng câu hỏi “vị thế và những đóng góp của mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ mỹ thuật thế giới?” là một câu hỏi cần có lời giải đáp rõ ràng từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

PRESENCE, 2016, cao 4m, rộng 6,2m. Thép không gỉ. ©Daochauhai/National Palace Museum, Taiwan.


- Trong những thập niên vừa qua, diện mạo điêu khắc Việt Nam cũng đã thay đổi nhiều? Xin ông cho biết những đánh giá cụ thể?

NĐK Đào Châu Hải: Điêu khắc của Việt Nam nói chung, từ khoảng 10 năm trở lại đây, theo nhận xét riêng của tôi, đã có được sự nỗ lực để tìm cho được một vị trí trong dòng chảy chung của mỹ thuật đương đại, hay nói một cách khác, điêu khắc Việt Nam đã tự “đổi mới” từng ngày, đổi mới và sáng tạo trên những vấn đề căn bản: cái nhìn thị giác, quan điểm thẩm mỹ, cấu trúc hình thể, không gian, chất liệu, và theo tôi - quan trọng hơn cả là bằng chính tác phẩm của mình, các nghệ sỹ điêu khắc trẻ đã có tiếng nói riêng để bày tỏ nhận thức, quan điểm với những đổi thay của thế sự ngổn ngang phức tạp trong xã hội đương thời; điêu khắc trẻ Việt Nam đang có một thế hệ đầy khát khao sáng tạo. Đây là một thế hệ quan trọng, rồi lịch sử sẽ chứng minh. Với cá nhân, tôi rất tự hào và hạnh phúc khi được song hành với thế hệ trẻ của điêu khắc Việt Nam đương đại trên con đường tự-đổi-mới.


- Ông đánh giá thế nào về vai trò của điêu khắc trong thế giới nghệ thuật và đối với đời sống văn hoá xã hội?

NĐK Đào Châu Hải: Điêu khắc là cái không thể thiếu trong tiến trình phát triển văn hoá và văn minh nhân loại. Chính vì đặc điểm có tính định nghĩa cho một không gian sống nói chung của con người, rộng hơn là một cộng đồng dân cư, điêu khắc và kiến trúc luôn song hành với nhau, giúp cho cộng đồng có những nhận thức về không gian sống của xã hội và về chính bản thân con người mình sống/tồn tại trong không gian đó.

Combination II, 2011. Thép hàn, gỗ, lưới plastic. 155x120x370cm. ©Daochauhai


- Nhưng ở ta hiện nay đang có một thực trạng lạm phát tượng đài, tuy nhiên các tác phẩm điêu khắc công cộng thực sự lại hiếm. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về điêu khắc công cộng hay điêu khắc ngoài trời?

NĐK Đào Châu Hải: Theo tôi, điêu khắc nói chung luôn tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển của lịch sử loài người, từ thời tiền sử cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt ở những quốc gia sớm có nền văn minh cao như Hy Lạp, La Mã, đế chế Inca, sự hình thành các đô thị thời La Mã cho tới các siêu đô thị của thế kỷ 20 ở châu Âu, Bắc Mỹ luôn gắn liền với các trào lưu nghệ thuật điêu khắc được gọi là điêu khắc công cộng (public art), điêu khắc ngoài trời (monument). Đặc điểm chung của diễn ngôn của loại hình nghệ thuật điêu khắc đô thị này luôn mang một ý nghĩa là “định nghĩa cho một không gian” cảnh quan, lịch sử hay văn hoá nào đấy trong bối cảnh đời sống thành thị.
Ở Việt Nam, thật là khó cho câu chuyện này khi mà về thực chất chúng ta chưa có kiến trúc và quy hoạch đô thị theo những chuẩn mực căn bản nhất.


- Trong sáng tác, ông có quan tâm tới tính dân tộc, bản sắc hay tính hiện đại không? Vì sao?

NĐK Đào Châu Hải: Tôi không nghĩ nhiều đến những điều này, hay nói cách khác, cặp phạm trù Dân tộc – Hiện đại có lẽ là dành riêng cho công tác nghiên cứu nghệ thuật học của thế kỷ 19. Tiến trình phát triển nghệ thuật - của nhân loại nói chung cũng như của một cộng đồng, một cá nhân nghệ sỹ - chắc chắn phải đi từ cái riêng tư để hướng tới cái phổ quát mang tính nhân loại.

Undercurrents II, 2009. Thép hàn, sơn công nghiệp. 102x80x120cm. ©Daochauhai


- Cuộc triển lãm gần đây nhất mà ông tham gia là vào khi nào, và ở đâu?

NĐK Đào Châu Hải: Đó là triển lãm “Ballade Biển Đông” trưng bày tại Viet Art Center, Hà Nội, năm 2010 cùng họa sỹ Lý Trực Sơn; đây cũng là một triển lãm để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất.
Tôi cho rằng: thông qua hình ảnh thị giác chủ quan của nghệ sỹ, để có thể chia sẻ, gợi ra nhận thức mới lạ về những giá trị của đời sống, lịch sử, thân phận của con người, của cộng đồng nói chung, bằng ngôn ngữ khác biệt của cá nhân nghệ sỹ, đấy là nghệ thuật.
“Cửa Sóng”, “Ballade Biển Đông” phần nào đã mang lại cho tôi sự cảm nhận thành thật từ chính bản thân mình.


- Được biết ông có điều kiện giao lưu, tham gia nhiều trại sáng tác quốc tế hay triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế. Vậy, ông có nhận xét gì về tình hình điêu khắc đương đại Việt Nam xét trong bối cảnh khu vực và quốc tế?

NĐK Đào Châu Hải: Ở Việt Nam, tôi có tham gia một số trại sáng tác quốc tế, ví dụ như năm 2004 ở Huế, năm 2006 ở Hòn Dấu, Hải Phòng, và năm 2015 tại Sài Gòn.
Ở nước ngoài, năm 1999 tôi tham dự triển lãm điêu khắc “Châu Á – Thái Bình Dương” tại Singapore, với tác phẩm “Hình thể & Trừu tượng”; năm 2013 tôi tham gia sáng tác một tác phẩm có tính sắp đặt tại Portland, Maine, Hoa Kỳ, cùng nghệ sỹ trẻ Nguyễn Ngọc Lâm. Đây là một tác phẩm điêu khắc sắp đặt ngoài trời với vật liệu là cành cây cắt, ghép  cấu thành tác phẩm mang tên “Tree man” - “Người cây”.
Mới đây, bảo tàng National Palace Museum của Đài Loan có mua bản quyền một tác phẩm điêu khắc của tôi để dựng tại không gian bên ngoài. Pho tượng này được cải biến từ nguyên bản pho “Thần Sấm”, cao 4 mét, rộng 6,2 mét, chất liệu thép không gỉ (inox), và có thay đổi cấu trúc cho phù hợp hơn với cảnh quan, và mang tên mới là “Presence” (Sự hiện diện). Đài Loan là một đảo nhỏ, có chính phủ độc lập theo thể chế chính trị dân chủ, nhưng họ có nhiều nghệ sỹ giỏi trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại.
Kinh nghiệm qua các cuộc đi tham quan, sáng tác ở nước ngoài, tôi thấy rằng: chúng ta - điêu khắc đương đại của Việt Nam - đang có những nỗ lực không biết mệt mỏi để tìm kiếm và khẳng định vị trí, vai trò của điêu khắc đương đại trong dòng chảy chung của nhân loại, điều này thật đáng khích lệ. Ở góc độ nghề nghiệp, khi các nghệ sỹ Việt Nam làm việc, tiếp xúc và bày tỏ thành quả lao động nghệ thuật của mình với các giá trị văn hoá khác biệt, cũng đồng nghĩa với việc học hỏi và bộc lộ những vấn đề của riêng chúng ta – thiếu công nghệ, thiếu và nghèo nàn trong chất liệu, trong ngôn ngữ nghệ thuật. Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng nhất, chúng ta thiếu rất nhiều về ý tưởng nghệ thuật. Có lẽ nguyên nhân và nhược điểm này bắt nguồn từ một xã hội chậm phát triển, nghèo về vật chất cũng như vẫn tồn tại những định kiến có tính cực đoan trong nhận thức văn hoá truyền thống của người Việt.
Mỹ thuật Việt Nam nói chung và điêu khắc Việt Nam nói riêng chậm hơn thế giới cả trăm năm. Có rất nhiều lý do khách quan, nhưng lý do chủ quan là chậm về học thuật và nhận thức cá nhân của người nghệ sỹ với công việc làm nghệ thuật của mình. Hiện tại, điêu khắc Việt Nam đang phát triển rất tốt. Điều quan trọng là đang có một đội ngũ điêu khắc gia trẻ đầy hy vọng. Tôi tin rằng họ sẽ làm nên cái cá nhân của mình trong bối cảnh chung hiện nay.

Sắp đặt của Đào châu Hải tại triển lãm Không vô can và Ballad Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn 


- Một câu hỏi khá riêng tư: Tình hình công việc của ông hiện tại có đủ sống, hay phải làm công việc gì khác để mưu sinh – bởi đa số các họa sỹ và điêu khắc gia nước ta hiện nay sống khá chật vật với nghề?

NĐK Đào Châu Hải: Công việc cá nhân của tôi luôn khó khăn và vất vả. Điêu khắc là như vậy. Lam lũ, cáu bẳn, khó tính, không muốn gần ai và cũng không có ai gần được mình lâu. Lúc thì tôi làm việc ở xưởng trên Phú Thọ, lúc thì chân trời góc bể, phải đi nhiều quá. Mà tôi cũng chỉ sống bằng nghề điêu khắc thôi, ngoài ra cũng không biết làm gì khác để kiếm sống cả. Nói chung, cũng gọi là tạm đủ để sống thôi, nhưng luôn lâm vào cảnh túng bấn đấy (cười).


- Mục tiêu tối hậu mà ông cố gắng đạt được trong sáng tạo của cá nhân là gì?

NĐK Đào Châu Hải: Bây giờ tôi cũng không còn trẻ nữa, mà cũng chưa hẳn là già, không hiểu sao tôi chưa bao giờ tự đặt ra cho mình tính mục đích trong công việc sáng tác của mình. Tôi cho rằng nói chung, nghệ thuật là một cuộc phiêu lưu lớn trong thời đại và nhỏ trong từng cá nhân người nghệ sỹ. Mà với tôi, “đằng sau giới hạn đường chân trời kia là cái gì” mới là quan trọng.


- Vâng, xin cám ơn ông. Chúc ông có đủ sức khoẻ  để vững bước đi tiếp về phía “giới hạn đường chân trời” của cuộc sống và nghệ thuật.     

Nguồn:  http://www.ape.gov.vn 

TRUNG TÂM MỸ THUẬT ĐIÊU KHẮC HOÀI BÃO
ĐIÊU KHẮC HOÀI BÃO
Trụ sở: 61 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Website: http://www.dieukhachoaibao.com
Email: dieukhachoaibao@gmail.com
Điện thoại: 0902641618 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618