ROYAL INTERNATIONAL SCHOOL - TỔ HỢP GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀNG GIA - ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC TẾ - GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VỀ THỂ CHẤT -TINH THẦN - TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH - LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÔNG TIN - HOTLINE: 0902641618

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

ĐIỂM TIN MỸ THUẬT VÀ NHIẾP ẢNH THẾ GIỚI - 12/2016


Một sự kiện được giới kinh doanh nghệ thuật Việt Nam đón đợi từ lâu: LYTHI Auction - nhà đấu giá nghệ thuật thương mại đầu tiên của Việt Nam - đã khai trương vào cuối tuần qua với một phiên đấu giá vào tối 17/12/2016 tại khách sạn Caravelle, thành phố Hồ Chí Minh. Trong phiên đấu giá đầu tiên của nhà đấu giá LYTHI Auction, bức tranh “Mẫu đơn đỏ” của danh hoạ Lê Phổ, có giá khởi điểm 30.000 đô, đã bán được với giá 40.000 đô. Một bức tranh vẽ thiếu nữ của cố họa sĩ Trần Đông Lương bán được 23.000 đô. Cũng vẽ đề tài “Thiếu nữ”, bức tranh của cố hoạ sĩ Lê Văn Xương bán được 22.500 đô. Trong phiên này, bức tranh của danh hoạ người Indonesia Affandi với giá khởi điểm 180.000 đô chưa tìm được người mua. Đây cũng là tác phẩm có giá đắt nhất tại cuộc đấu giá đầu tiên này của LYTHI Auction. Phiên đấu giá tối 17/12 tại khách sạn Caravelle đánh dấu sự mở đầu đầy gian nan nhưng có nhiều hứa hẹn của một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp và minh bạch tại Việt Nam.
(Thể thao Văn hoá, Talkvietnam)

Bức tranh “Mẫu đơn đỏ” của Lê Phổ bán được 40.000 đô tại phiên đấu giá tối 17/12/2016 của LYTHI Auction.

 
Trang bìa cuốn catalogue của phiên đấu giá đầu tiên tại nhà đấu giá LYTHI Auction với bức tranh của Lê Văn Xương. ©LYTHI Auction.

Bức tranh của danh hoạ người Indonesia Affandi với giá khởi điểm 180.000 đô. ©LYTHI Auction.


Một bản vẽ của Leonardo da Vinci trị giá 15,8 triệu đô mới được phát hiện tại nhà đấu giá Tajan ở Paris. Tháng 3/2016, một bác sĩ về hưu đến thăm nhà đấu giá Pháp Tajan với một tập bản vẽ chưa có khung. Một trong số đó, một bức khảo hoạ về Thánh Sebastian bằng bút chì và mực, ngay lập tức lọt vào mắt xanh của Thaddée Prate - giám đốc ban Nghệ thuật Phục hưng. Lập tức, Prate đưa bức này cho một đại lý độc lập và cố vấn để tham khảo ý kiến, sau đó, tham vấn tiếp người thứ ba là Carmen C. Bambach, giám sĩ về tranh Ý và Tây Ban Nha tại bảo tàng The Met. Cả hai chuyên gia được tham vấn đều kết luận “đây là bản vẽ của da Vinci”. Bức khảo hoạ có niên đại khoảng 1482 - 1485, lúc da Vinci sống ở Milan và bắt đầu vẽ phiên bản đầu tiên của bức tranh “Đức Mẹ trong hang đá” (1483-1486). Theo Luật di sản Pháp, nước Pháp có thể coi tác phẩm này là "di sản quốc gia", và để ngăn việc xuất khẩu nó, chính quyền Pháp có 30 tháng tìm kiếm nguồn tiền mua lại bức phác thảo này theo thang giá hiện hành - mà theo các chuyên gia ước định là cỡ 15,8 triệu đô.

(AFP)


Bức khảo hoạ của Leonado da Vinci được phát hiện tại nhà đấu giá Tajan. ©AFP


Mặt sau bức tranh có bút tích của da Vinci. ©AFP 



Một phán quyết của tòa án đã tuyên kho tranh của gia đình Gurlitt gồm 1500 tác phẩm nghệ thuật, được khám phá vào năm 2013, sẽ phải nhập vào bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật ở Bern. Quyết định của tòa án ở Munich đã kết thúc một vụ kiện tụng do một người anh em họ của Cornelius Gurlitt khởi xướng với lý do rằng “ông Gurlitt đã lập di chúc vào năm 2014 trong tình trạng thần kinh không bình thường”. Trong di chúc, Gurlitt đã hiến tặng toàn bộ các tác phẩm trong bộ sưu tập của nhà ông, bao gồm tranh của Marc Chagall, Auguste Rodin, Henri Matisse, và Max Liebermann – cho bảo tàng Thụy Sĩ. Được phát hiện trong căn hộ của Gurlitt tại Munich và ở một ngôi nhà khác tại ngoại ô Salzburg, các tác phẩm đã được cho là có xuất xứ từ người cha quá cố của Gurlitt, ông Hildebrand Gurlitt, một đại lý nghệ thuật từng cộng tác với Đức quốc xã. Có 5 tác phẩm từ kho tranh của Gurlitt sau khi được phát giác đã được trả về đúng chủ nhân của chúng, song phần lớn các tác phẩm vẫn chưa xác minh được người thừa kế hợp pháp. Dựa trên di chúc của Gurlitt, toà đã tuyên cho bảo tàng Kunstmuseum ở Bern được nhận tất cả số tác phẩm còn lại, và họ sẽ phải triển lãm cho công chúng tại Đức và Thụy Sĩ xem trong một tương lai gần.

(The New York Times)


Một số tranh phát hiện trong kho nhà Gurlitt tại Munich. ©The New York Times

Toà chung cư có căn hộ của Gurlitt tại Munich chứa kho tranh bị cảnh sát thu giữ. ©The New York Times


Vụ kiện chối bỏ quyền tác giả của điêu khắc gia Cady Noland đã bị bác, cho dù tính xác thực của tác phẩm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cady Noland, nghệ sĩ đã có một thị trường tốt, chối bỏ quyền tác giả đối với tác phẩm khi biết rằng tác phẩm của cô sau khi bị hư hỏng đã bị thay thế bằng đồ mới (?!). Sưu tập gia Scott Mueller ở Ohio có hợp đồng mua bán năm 2014 với Michael Janssen Gallery ở Berlin, quy định rằng nếu tác giả Cady Noland sau này chối bỏ nó, Mueller sẽ được hoàn lại 1,4 triệu đô tiền mua. Và sau khi tác phẩm hư hỏng, rồi bị “tự ý chỉnh sửa”, Cady Noland đã khước từ quyền tác giả, và gallery buộc phải trả Mueller tiền, lần đầu là 600 ngàn đô; hơn một năm sau, đợi mãi không thấy gallry trả tiền nốt, sưu tập gia đã đệ đơn kiện đòi gallery 800 ngàn đô còn lại. Trớ trêu thay, do thời gian Mueller đệ đơn khiếu nại bị chậm trễ, một tòa án ở Manhattan đã bác bỏ đơn kiện vào đầu tháng 12/2016. Mueller cũng đã kiện cố vấn nghệ thuật của mình là Marissa Newman vì “đã không cung cấp thông tin đúng đắn”, nhưng tòa án lại phản bác và cho rằng Newman không có "mối quan hệ được ủy thác" nào với Mueller. Vấn đề mà tòa chưa giải quyết là: liệu một tác phẩm nghệ thuật có thể quy cho một nghệ sĩ khi người đó khước từ nó hay không?
(The Art Newspaper)

Tác phẩm điêu khắc “Log Cabin” của Cady Noland. ©The Art Newspaper.


Mới đây, một trong những khoản đóng góp từ thiện lớn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh: một phần trong bộ sưu tập nghệ thuật giá trị của nhà phát triển bất động sản Harry Hyams đã được trao tặng cho chính phủ Anh quốc. Được trích từ quỹ di sản 487 triệu bảng của Hyams, nhà phát triển có ảnh hưởng lớn, các tác phẩm mỹ thuật và những chiếc xe cổ với tổng giá trị lên tới 450 triệu bảng đã được trao tặng cho nước Anh. Trong số đó, có những kiệt tác như bức tranh phong cảnh “The Bridgewater Seapiece” (1801) của danh hoạ JMW Turner, bức “Tristram and Iseult” (1872) của Edward Burne-Jones, và “Cherry Ripe” (1879) của Sir John Everett Millais (Millet). Harry Hyams mất tháng 12 năm ngoái ở tuổi 87, và bây giờ, bộ sưu tập của ông sẽ thuộc về công chúng thông qua quỹ Capricorn Foundation, một tổ chức từ thiện do ông thành lập vào năm 2010. Các tác phẩm sưu tập của Hyams hiện cũng được nhiều viện bảo tàng ở Anh quôc mượn trưng bày.

(The Telegraph)


JMW Turner, “The Bridgewater Seapiece” (1801).

Sir John Everett Millais (Millet), “Cherry Ripe” (1879).


Với chiến lược ‘vì văn hoá’, tập đoàn đa quốc gia Abertis đã đưa các tác phẩm của Picasso đến với công chúng Chile bằng cuộc    triển lãm "Picasso: Tay khéo, Mắt dữ" ("Picasso: Erudite Hand, Wild Eye") từ ngày 13/12/2016 đến 5/3/2017 tại Santiago de Chile. Đây là những tác phẩm luôn được Picasso lưu giữ tại studio riêng trong suốt cuộc đời mình. Sự kiện này nối tiếp các thành công của cuộc triển lãm lưu động ở São Paulo và Río de Janeiro. Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Ernesto Ottone; thị trưởng của Santiago de Chile, ngài Felipe Alessandri; Giám đốc điều hành của chi nhánh Abertis ở Chile, ngài Luis Miguel de Pablo; và Giám đốc Quan hệ quốc tế và trách nhiệm xã hội của Abertis, ngài Sergi Loughney đã có mặt tại lễ khai mạc. Có 135 tác phẩm của Picasso được trưng bày trong triển lãm, bao gồm 35 tranh cỡ vừa và lớn, 41 bản vẽ, 20 tác phẩm điêu khắc, 20 bản khắc và 19 bức ảnh. Tập đoàn đa quốc gia Abertis, trực thuộc Quỹ Abertis Foundation, đã tài trợ cho nhiều triển lãm văn hóa quan trọng trong những năm gần đây, ví dụ như của Salvador Dalí, Diego Velázquez, Joan Miró.
(Art Daily)




Một số tác phẩm trong triển lãm. ©AFP.


Từ ngày 16/12/2016 đến 8/3/2017, tại bảo tàng nhiếp ảnh FOAM Fotografie Museum ở Amsterdam, Hà Lan, diễn ra triển lãm nhiếp ảnh quy mô của nhiếp ảnh gia Hiroshi Sugimoto với tiêu đề “Hiroshi Sugimoto: Hộp đen”. Là một nghệ sĩ Nhật đặc biệt thông tuệ, các tác phẩm nhiếp ảnh của Hiroshi Sugimoto (sinh năm 1948, Tokyo) hàm chứa nhiều yếu tố ý niệm thiền định, gợi mở nhiều suy tư triết học cho khán giả. Không chỉ là một nghệ sĩ có con mắt nhìn bậc thầy, ông còn là người dám từ chối công nghệ kỹ thuật số và kiên trì với các phương pháp nhiếp ảnh truyền thống. Triển lãm “Hiroshi Sugimoto – Hộp đen” tại bảo tàng FOAM là một trình bày tổng quan về các tác phẩm của ông thông qua một loạt các dự án nhiếp ảnh chính yếu mà ông đã và đang thực hiện: Nhà hát (1976-đang tiếp tục); Những cánh đồng sét đánh (2006-đang tiếp tục); Dioramas (1976-2012); Chân dung (1994-1999); Phong cảnh biển (1980- đang tiếp tục).

(FOAM)


Hyena-Jackal-Vulture, 1976. Gelatin bạc. ©Hiroshi Sugimoto


Vịnh Sagami, Atami, 1997. Gelatin bạc. ©Hiroshi Sugimoto


Tại Bảo tàng Mỹ thuật Montreal hiện đang có triển lãm “She Photographs” (Nàng chụp) trưng bày tác phẩm của các nữ nhiếp ảnh gia hiện đại. Với 70 tác phẩm - hầu hết là từ các bộ sưu tập bảo tàng - 30 nữ nhiếp ảnh gia đương đại của Canada và nước ngoài đã hiện diện tại đây. Họ là Raymonde April, Claire Beaugrand-Champagne, Geneviève Cadieux, Jacynthe Carrier, Sorel Cohen, Eliane Excoffier, Janieta Eyre, Lorraine Gilbert, Nan Goldin, Maryse Goudreau, Katy Grannan, Grauerholz, Clara Gutsche, Shari Hatt, Hayeur, Spring Hurlbut, Sarah Anne Johnson, Holly King, Justine Kurland, Suzy Lake, Laura Letinsky, Carol Marino, Julie Moos, Catherine Opie, Sylvie Readman, Alix Cléo Roubaud, Kiki Smith, Barbara Steinman, Andrea Szilasi và Marnie Weber. Triển lãm này, kéo dài đến hết này 19/2/2017, là một khoảng lặng, một lần dừng bước để suy tư về những hình ảnh được thực hiện bởi những nữ nghệ sĩ nữ - những người đang ngắm nhìn thế giới của chúng ta với một cái nhìn rất đương đại, và đặt ra những câu hỏi về khái niệm của vẻ đẹp và bản sắc của giới. Cái nhìn của mỗi người đều là một phần làm nên bộ nhớ tập thể của chúng ta.
(Art Daily)

Clara Gutsche, “Arles”, trích trong bộ ảnh "Bedrooms", 2000. ©Clara Gutsche / SODRAC (2016).

Janieta Eyre, “Hai chị em Sophie và Sarah”, Từ loạt ảnh "Làm mẹ" 2001. ©MBAM.

Từ ngày 16/12/2016 đến 3/3/2017, tại Bảo tàng Nghệ thuật Negev ở miền nam Israel diễn ra cuộc triển lãm các tác phẩm của điêu khắc gia Hy Lạp Jannis Kounellis. Bị cuốn hút bởi cảnh quan của sa mạc và các vật liệu đá sa mạc với các kích cỡ, hình dạng và màu sắc khác nhau, ông quyết định sử dụng chúng để thể hiện các tác phẩm sắp đặt của mình. Ông sử dụng dây thừng dày để tạo ra những tác phẩm liên kết với nhau và có tính thống nhất. Sinh năm 1936 tại Piraeus, Hy Lạp, Kounellis thuộc thế hệ nghệ sĩ khởi nghiệp từ những năm 1960 – thời của những truy vấn về các giá trị của hội hoạ và điêu khắc. Ông làm việc trực tiếp ngay trong không gian thực, sử dụng vật liệu lấy từ cuộc sống hàng ngày như đá, dây thừng, tủ, ghế … cũng như các loài động thực vật. Ông từng tham gia bảy phiên bản của Venice Biennale và hai lần dự Documenta. Đây là triển lãm thứ hai của ông tại Israel.
(Art Daily)

 

Một vài tác phẩm của Jannis Kounellis tại Bảo tàng Nghệ thuật Negev. ©Jannis Kounellis.  


Kết quả của các phiên đấu giá cuối năm của các nhà đấu giá trên thế giới cho thấy tranh của các hoạ sĩ Đông Dương vẫn được giới sưu tầm quốc tế quan tâm. Tại phiên “Nghệ thuật Ấn tượng và Hiện đại” ngày 16/12/2016 của nhà đấu giá Sotheby’s ở New York, một tranh của Vũ Cao Đàm tiêu đề “Chơi trăng” bán được 93.750 đô (món bán được giá cao thứ 4 của phiên này); Lê Phổ có 5 bức tranh thì 4 bức tìm được người mua (xếp theo thứ tự: 25.000 đô; 21.500 đô; 9.375 đô; 8.125 đô). Phiên đấu giá này có 116 món tất cả, bao gồm tranh, tượng của các tác giả từ cuối TK 19 đến giữa TK 20. Auguste Rodin, Henri Martin, Bernard Buffet, Jean Cassigneul, Francoise Gilot, Fujita là một số cái tên nổi bật trong số các tác giả tên tuổi có tác phẩm bán trong phiên này. Bernard Buffet có hai tranh đạt giá bán cao nhất: 231.250 đô và 225.000 đô. Trong khi đó, tại phiên “Nghệ thuật TK 19 và TK 20 … Nghệ thuật Á châu” ngày 16/12/2016 của nhà đấu giá Aguttes ở Paris, Lê Phổ có 4 bức thì bán được 3, trong đó, bức “Trâm cài trắng” có giá cao nhất là 229.500 euro. Các danh hoạ Vũ Cao Đàm (2 bức) và Mai Trung Thứ (1 bức) cũng đều bán được.
 (Sotheby’s & Aguttes)

 
Lê Phổ, “Trâm cài trắng”, 229.500 euro, Aguttes, Paris, 16/12/2016. ©Aguttes.

Website http://www.ape.gov.vn

TRUNG TÂM MỸ THUẬT TƯ DUY NÉT NGỘ
Trụ sở:    61 Đường D5, P. 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Cơ sở 1: 111 Nguyễn Thái Sơn, P.4, Quận Gò Vấp, TPHCM
Cơ sở 2: 1511 Đường Nguyễn Hoàng, Phường An Phú, Quận 2, TP HCM
Email: mythuatnetngo@gmail.com
Điện thoại: 090.264.1618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618