Trong xu thế phát triển, hội nhập và tốc độ đô thị hóa, việc làm đẹp cảnh quan, môi trường cho các trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng là nhu cầu cần thiết của xã hội. Thời gian qua, hoạt động này đã được thực hiện nhưng chưa hiệu quả; còn thiếu vắng những tác phẩm điêu khắc trong không gian, môi trường sống và nếu có cũng chưa phát huy hết giá trị mỹ thuật, ứng dụng. Các nghệ sĩ sáng tác xong rồi lại tự thưởng thức, tìm “đầu ra” cho các tác phẩm điêu khắc vẫn là bài toán khó cần có lời giải.
|
Thực tế, một số không gian công cộng ở Hà Nội và các thành phố khác như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... đã có vườn tượng; hoặc ở một số khu đô thị cũng có những tác phẩm điêu khắc để trang trí, nhưng hàm lượng nghệ thuật chưa được đánh giá cao. Nhiều công trình, khu đô thị do chủ đầu tư nặng về mục đích kinh tế, tận dụng tối đa diện tích đất xây dựng nên đã không chú trọng đến tác phẩm điêu khắc làm đẹp công trình. Đáng nói hơn, có những doanh nghiệp quan tâm đến điêu khắc công cộng thì lại thờ ơ với những tác phẩm mang tính văn hóa truyền thống. Các chủ đầu tư thường đưa vào khu đô thị những công trình gắn “mác” ngoại, hoặc biểu tượng theo ý tưởng riêng nhằm mục đích đề cao chính doanh nghiệp. Nhiều khu đô thị, du lịch sinh thái chủ yếu mua, sắp đặt biểu tượng kiến trúc nhái phong cách phương Tây để tăng tính lạ và “sang”, mặc cho có những bức tượng “chép” xấu làm méo mó cả tác phẩm kinh điển nước ngoài. Trong khi đó, tình trạng tác phẩm điêu khắc làm ra rồi để đó, không đến được với công chúng là phổ biến. Thường là kết thúc các trại sáng tác và triển lãm (trong đó có những trại sáng tác quốc tế quy mô lớn, thu hút đông đảo nghệ sĩ trong và ngoài nước), các tác phẩm lại được mang cất vào kho hoặc dầm mưa dãi nắng ở đâu đó; bởi không có ai mua, không được trưng bày làm đẹp không gian chung… Cuối tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên, Triển lãm “Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Mỹ thuật và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, giới thiệu những phương án, giải pháp kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc trong công trình văn hóa dân sinh, cộng đồng; góp phần khẳng định vai trò và tác động thẩm mỹ, văn hóa của tác phẩm nghệ thuật trong đời sống; nâng cao nhận thức của xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, nhà đầu tư và quản lý đô thị trong việc giữ gìn, chỉnh trang không gian công cộng. Song, dù Ban tổ chức nhấn mạnh mục tiêu kết nối tác phẩm với đời sống, thị trường và các tác phẩm có tính ứng dụng cao với chỉ dẫn không gian sắp đặt cụ thể, thì dường như vẫn có nguy cơ triển lãm xong lại… xếp vào kho (!).
Theo ý kiến nhiều nhà quản lý văn hóa và nghệ sĩ sáng tác, khác với một số quốc gia trên thế giới có luật quy định mỗi công trình kiến trúc phải dành phần trăm chi phí cho tác phẩm nghệ thuật, ở nước ta hiện không có cơ chế nào ràng buộc các cơ quan hay bắt buộc không gian công cộng phải bố trí công trình điêu khắc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất về việc này, nhưng các bộ, ngành khác phản đối. Như thế, có nghĩa hoạt động này vẫn phụ thuộc vào ý thức, sự tự nguyện của các bên, trong đó quan trọng là chủ đầu tư, chủ nhân công trình. Một số ý kiến cho rằng, không thể chỉ trông chờ cơ chế, hỗ trợ từ Nhà nước, các tác giả cũng cần xem sáng tác của mình đã phù hợp nhu cầu xã hội chưa, bởi với người nghệ sĩ, ngoài việc giữ bản sắc riêng cũng cần phải biết thị hiếu của thời đại để tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Và nên chăng, các cuộc thi, hoạt động triển lãm có thể kết hợp tổ chức hội nghị khách hàng, mời doanh nghiệp tham dự. Tác phẩm điêu khắc là sản phẩm hàng hóa nghệ thuật cho nên cũng cần theo cơ chế thị trường; nghệ sĩ phải chủ động tìm đến khách hàng, cho họ thấy cái hay cái đẹp của tác phẩm chứ không chỉ thụ động, ngồi chờ. Sự cộng tác, bắt tay giữa giới điêu khắc, kiến trúc sư với các nhà quản lý, xây dựng, quy hoạch rất cần được chú trọng, thúc đẩy; để phát huy vai trò của cả hai bên trong việc đưa các tác phẩm xuất sắc ứng dụng vào cuộc sống.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét