Các hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn giúp người xem hình dung diện mạo hai linh vật và phản ánh vẻ đẹp điêu khắc cổ Việt Nam.
Thời gian qua, dư luận bức xúc về việc sư tử đá ngoại lai xuất hiện như là linh vật trong các công sở, địa điểm công cộng, đặc biệt là tại các di tích, không gian văn hóa của người Việt.
Với mục đích góp phần tuyên truyền, quảng bá hình tượng và giá trị của con nghê và sư tử trong di sản nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Nam Định thực hiện triển lãm chuyên đề "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam". Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 7 tới 17/11.
Sư tử đá thế kỷ XI ở chùa Bà Tấm, Hà Nội - hiện vật trưng bày trong triển lãm.
|
Có thể nói đây là lần đầu có một triển lãm lớn về linh vật sư tử và nghê như vậy. Gần 60 hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn không chỉ giúp người xem hình dung được diện mạo hai linh vật, mà còn phản ánh vẻ đẹp điêu khắc cổ Việt Nam. Phần lớn được làm bằng nhiều chất liệu như đá, gốm, sành, gỗ, đồng... Những hiện vật này đều là linh vật, tác phẩm điêu khắc độc lập, hoặc một phần khắc trên các công trình kiến trúc như đình chùa, khắc trên đồ vật như bình hoa, chân đèn...
Đi kèm với mỗi hiện vật là những chú thích, chú giải và những bài viết nói rõ niên đại, chất liệu, cách tạo hình, đặc điểm nổi bật và ý nghĩa tâm linh. Việc này giúp người xem hiểu hơn nguồn gốc, lịch sử, đặc điểm tạo hình và ý nghĩa tâm linh của linh vật thay đổi ở từng thời kỳ khác nhau.
Bên cạnh các hiện vật điêu khắc, triển lãm trưng bày các bản vẽ đạc họa, tường giải về linh vật cũng như không gian tìm thấy hiện vật. Một đoạn video được trình chiếu tại triển lãm nhằm giới thiệu sự thay đổi hình ảnh, đặc điểm linh vật qua từng thời kỳ.
Cùng với trưng bày, những người thực hiện triển lãm còn xây dựng chương trình giáo dục tương tác. Nhiều hình linh vật được in sẵn cho người xem, đặc biệt là các em học sinh có thể tô màu.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế là một trong những người tham gia công tác chuẩn bị. Anh cho rằng triển lãm thể hiện sự đa dạng từ chất liệu đến cách tạo hình, với nhiều công năng, sắc thái của hình tượng con nghê và sư tử.
Vượt qua vấn đề mỹ thuật, triển lãm trở thành cuộc trưng bày mang ý nghĩa lớn về di sản và giáo dục văn hóa truyền thống Việt
Sư tử cầm ngọc bằng đất nung, thế kỷ XII - XIV.
|
Sư tử chầu ngọc bằng đá, thế kỷ XI, hiện vật tìm thấy ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.
|
Sư tử đá được chế tác năm 1270, hiện vật ở chùa Thông, Thanh Hóa.
|
Nghê đá thế kỷ XIV ở Thành nhà Hồ, Thanh Hóa.
|
Nghê gỗ thế kỷ XVII, tại đình Hữu Bổ, Phú Thọ.
|
Nghê gỗ thế kỷ XVII có chiều cao 118 cm tại đền vua Lê Thánh Tông, Thanh Hóa.
|
Nghê gỗ thế kỷ XVII.
|
Nghê gỗ thế kỷ XVII - XVIII tại chùa Hành Thiện, Nam Định.
|
Nghê sành thế kỷ XIX.
|
Đèn hình nghê bằng gốm thế kỷ XV - XVI.
|
Posted in: CÁC TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC CỔ VIỆT NAM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét