“Gió” là chương trình cuối cùng trong hành trình khám phá, đối thoại Đông - Tây giữa cây đàn piano với âm nhạc dân gian Việt Nam suốt 10 năm qua của nghệ sĩ Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Sau “Bóng” (năm 2011), “Lửa” (năm 2014), “Gió” sẽ diễn ra vào tối 29-10 tại rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội), là sự tương tác giữa âm nhạc bác học phương Tây với chèo cổ, lấy cảm hứng từ vở “Quan Âm Thị Kính”.
Từ thôi thúc muốn tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, lưu giữ và phát triển mà không sa vào con đường cải biên, cặp đôi nghệ sĩ Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đã tạo ra những màn đối thoại âm nhạc lạ lùng mà thân thiết, đương đại mà cổ điển, truyền thống mà hiện đại như “Bóng”, như “Lửa”, và giờ là “Gió”. Theo họ, âm nhạc dân gian là một viên ngọc đẹp đẽ, không nên “đập vỡ” mà cần trò chuyện để thấu hiểu, thấm thía.
Chính cuộc trò chuyện giữa người xưa với người nay thông qua âm nhạc ấy đã phần nào giúp âm nhạc truyền thống rực sáng trong không gian đương đại. Minh chứng là những lần "đối thoại" với chầu văn và tuồng của Phó An My đều trở thành điểm nhấn trong hoạt động âm nhạc nước nhà.
“Gió”, theo hai nghệ sĩ, là một vở diễn nhưng không đi theo cốt truyện về Quan Âm Thị Kính trong dân gian, mà lấy làn điệu, lời ca và cảm hứng từ nội tâm nhân vật để làm nổi bật tính cách, thân phận trái ngược của hai người đàn bà: Thị Kính và Thị Mầu. Một bên là biểu tượng của chữ “Nhẫn”, một bên là biểu tượng của chữ “Khát”. Vở diễn gồm 5 chương: “Chạng vạng”, “Oan”, “Khát”, “Ru kệ”, “Hóa”, có sự góp mặt của những nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật truyền thống, như NSND Thanh Hoài. Trong vở, NSND Thanh Hoài sẽ hát chèo cổ nguyên bản và nghệ sĩ Phó An My "phiêu" với phím đàn piano.
Nhưng “Gió” khác “Bóng” và “Lửa” khá nhiều. Trước đây, nghệ sĩ hát chầu văn và tuồng dường như tách rời với Phó An My. Một bên hát, sau đó bên kia đàn đáp lại. Lần này, vẫn có đối thoại, nhưng sự tương tác và song hành giữa piano với nghệ thuật chèo cổ nhiều hơn. NSND Thanh Hoài chia sẻ: “Tôi thích cách Phó An My đàn hòa quyện cùng tiếng hát chèo, cảm giác âm nhạc dân tộc sống động, mới mẻ mà vẫn giữ được hồn cốt”.
Theo lý giải của nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên: “Đi tới đây, chúng tôi - những người thời nay, đã phần nào hiểu được âm nhạc truyền thống, tìm được nhiều điểm tương đồng hơn”. Vì thế, nghệ sĩ Phó An My tiết lộ, vở diễn này sẽ không “bão tố”, dữ dội, mạnh mẽ như những lần trước, mà dịu dàng, lãng mạn, phiêu diêu.
Âm nhạc của Đặng Tuệ Nguyên viết cho vở này rộng mở hơn, không chỉ với piano mà nhiều khí cụ phương Tây khác như bộ gõ giao hưởng do nghệ sĩ Trần Xuân Hòa thể hiện, contrabass do nghệ sĩ trẻ Đỗ Hải Nam thể hiện. Chương trình vẫn có sự kết hợp nhuần nhuyễn của các nhạc cụ truyền thống, sự xuất hiện của các nghệ sĩ như NSƯT Nguyễn Văn Quý (bộ gõ dân tộc), Lê Quý Trung (sáo tiêu), Xuân Hải (nhị).
Nhạc sĩ Phó Đức Phương làm tổng đạo diễn, nghệ sĩ Vũ Đình Quân - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam làm cố vấn nghệ thuật chèo cho chương trình. Nghệ sĩ Vũ Đình Quân nhận xét: “Phó An My đã có cách giải quyết được nỗi trăn trở bấy lâu của những người làm nghệ thuật truyền thống. Nếu không tìm ra cách tiếp cận đúng với khán giả ngày nay thì nghệ thuật truyền thống, âm nhạc dân gian sẽ dần mai một”.
Có nhiều người cảm thấy nuối tiếc khi nghe rằng đây là chương trình cuối cùng của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên theo tư duy và bút pháp đối thoại piano và âm nhạc dân gian. Nhưng, hóa ra, khép lại từ đây là để mỗi người bước sang một ngã rẽ mới trên con đường nghệ thuật. Phó An My nói có thể chị không “đối thoại” nữa, mà “độc hành”. Còn Đặng Tuệ Nguyên cho biết, muốn tiến xa hơn thì không chỉ sáng tác nhạc cho một nghệ sĩ, mà cần quốc tế hóa âm nhạc dân tộc, để bất cứ ai cũng có thể chơi, để tác phẩm được biểu diễn bởi bất cứ dàn nhạc nào và ở mọi quốc gia.
Sau đêm diễn tại Hà Nội, “Gió” sẽ đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 3-12, tại GEM Center (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đa Kao, quận 1).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét