Nhiều hộ gia đình ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thu lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi trồng thủy sản tổng hợp gồm các loại tôm hùm, cá bớp, cá mú...
Tận dụng vùng mặt nước gần bờ, vài năm gần đây, hàng chục hộ dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm lồng, bè nuôi trồng các loại thủy sản như tôm hùm, cá bớp, cá mú... đáp ứng nhu cầu thị trường các tỉnh miền Trung và xuất khẩu. |
Nguồn thức ăn để nuôi tôm hùm ở huyện đảo Lý Sơn dồi dào gồm sò, cá tạp, cua, ghẹ, cầu gai... Mỗi ngày, tôm hùm được cho ăn 2 lần vào các buổi sáng sớm và chiều tối, chủ yếu là ăn tươi. |
Các ngư dân Lý Sơn che màn chống nắng, gió cho thủy sản. Lồng nuôi tôm hùm, cá bớp... được đặt ở vùng kín gió, cố định bằng các dây thừng vào giữa các thanh gỗ giằng ngang, dọc tránh chao đảo. Đáy lồng cách mặt biển khoảng 6 m, đảm bảo môi trường tự nhiên cho tôm phát triển. |
Nguồn thức ăn tươi để nuôi cá bớp ở huyện đảo Lý Sơn dồi dào, mỗi ngày cho ăn một lần. Còn thức ăn cho tôm hùm nơi đây cũng phong phú gồm: sò, cá tạp, cua, ghẹ, cầu gai... |
Ông Lê Minh Văn (ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) cho hay gia đình nuôi tôm hùm trong 20 lồng bè và 14 lồng bè cá bớp. "Tháng 9/2015, tôi xuất bán 6,5 tấn cá bớp với giá 155.000 đồng mỗi ký, trừ chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn xuất bán tôm hùm nhiều đợt cho thương lái, lợi nhuận cả năm nhờ nuôi trồng thủy sản cũng hơn 1 tỷ đồng", ông Văn nói. |
Theo ngư dân địa phương, dòng hải lưu vùng biển gần bờ Lý Sơn nước chảy liên tục nên thủy sản nuôi trồng phát triển nhanh. Sau 10 tháng nuôi, mỗi con cá bớp thu hoạch có thể đạt từ 7 đến 9 kg, tùy theo thời điểm, mỗi ký cá bớp có giá từ 100.000 đồng trở lên là có thể thu về lãi lớn. |
Ngư dân thường xuyên lặn ngụp vệ sinh lồng bè diệt vi khuẩn, vi sinh vật, dọn thức ăn thừa đảm bảo môi trường nước phòng ngừa dịch bệnh cho các loài thủy sản. Bên cạnh nuôi con tôm hùm, ngư dân nơi đây đã nuôi thí điểm thành công con cá bớp bán tại chỗ cho thương lái và các nhà hàng chế biến món ăn phục vụ khách du lịch đến Lý Sơn tham quan tăng đột biến thời gian gần đây. |
Thu hoạch cá bớp ở huyện đảo Lý Sơn. Mỗi lồng bè bà con ngư dân kết nối 6 thùng phuy nhựa, xốp làm phao nổi kết hợp nhiều thanh gỗ, các loại lưới... Bên trên bè, gia đình anh còn làm một căn nhà nhỏ dùng trông nom bảo vệ và chứa thức ăn hàng ngày cho tôm hùm, cá bớp. |
Cá bớp hiện trở thành món ăn đặc sản phục vụ khách du lịch ở huyện đảo Lý Sơn. Khó khăn nhất trong nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện đảo hiện là tìm con giống tốt, vận chuyển về đảm bảo khỏe trước khi thả xuống lồng nuôi. |
Sau 12 đến 15 tháng nuôi, các chủ lồng bè có thể xuất bán tôm hùm với trọng lượng từ 1 kg đến gần 1,5 kg. "Theo giá thị trường hiện nay, thương lái từ đất liền ra đảo mua mỗi kg tôm hùm với giá đến 1,5 triệu đồng, ngư dân nơi đây chẳng những thu hồi vốn đầu tư mà còn lãi tiền tỷ", ông Cao Văn Tâm (ngụ xã An Vĩnh) thổ lộ. |
Song hành với con tôm hùm, cá bớp, người dân Lý Sơn còn mở rộng nuôi cá mú có giá trị dinh dưỡng cao để đáp ứng nhu cầu ăn uống cho du khách đến tham quan huyện đảo. Theo người dân địa phương, việc đa dạng hóa các loại thủy sản ở huyện đảo Lý Sơn vừa phòng ngừa rủi ro thua lỗ vừa tạo thu nhập thường xuyên ổn định suốt năm cho mỗi gia đình nuôi nơi đây. |
Do các loài thủy sản nuôi trồng có giá trị kinh tế cao nên trên mỗi lồng bè ngoài người bảo vệ còn có chú chó khôn ngoan túc trực suốt ngày đêm chống trộm. Ông Nguyễn Hồng (ngụ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn), vốn đầu tư lồng bè, mua con giống tôm hùm, cá bớp, cá mú… mỗi gia đình phải chi phí ít nhất từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng nên cần phải bảo vệ tài sản trên biển suốt ngày đêm.
Theo Zing
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét