Hành trình đến với chuyến du lịch đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi nơi có 5 ngọn núi đều là 5 miệng núi lửa. Khi mùa mưa đã vãn, mùa trồng tỏi ở Lý Sơn bắt đầu, cát trắng và đất đỏ chen giữa những bờ thửa bờ vùng ngăn ngắt xanh, cánh đồng tỏi lúc này chẳng khác nào như một bức tranh nhiều màu được chia thành miếng mảng, trông rất bắt mắt. Đứng trên miệng núi lửa Thới Lới, nhìn vào lòng chảo, trông giống như một sân bóng cỡ lớn, hoang vắng sau một trận cầu sôi động. Đất trong lòng chảo khá phì nhiêu, trở thành điểm hẹn của những đàn bò béo tốt. Buổi chiều, nhìn xuống lòng chảo sẽ bắt gặp sự yên tĩnh đến lạ kỳ. Đàn bò lúc này thành những đốm lửa yếu ớt, như sắp tiễn chiều vào đêm.
Người dân ở Lý Sơn nói rằng, trong lòng chảo của núi lửa Thới Lới trước đây là một cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý, to bằng hai người ôm. Sau năm 1945, dân lên đây khai thác hết, khai tử luôn cánh rừng từ bấy đến nay. Khi còn cánh rừng nguyên sinh này, nguồn nước ngọt trong lòng chảo của núi lửa khá phong phú. Nước ngọt từ đây thoát ra, đổ thẳng xuống chân núi, tạo nên suối Chình. Có lẽ những cư dân cách nay 2 - 3 ngàn năm đã chọn khu đất bên suối Chình làm nơi sinh sống. Những hiện vật lấy được từ cuộc khai quật di chỉ khảo cổ học bên suối Chình cách đây hơn mười năm đã giải mã nhiều điều về hòn đảo đầy quyến rũ nhưng cũng rất bí ẩn này.
Con người đã có mặt tại Lý Sơn từ khá sớm, dấu vết mà họ để lại là các loại gốm có từ thời văn hóa Sa Huỳnh, xuyên qua văn hóa Chămpa. Trong các hố khai quật, những lớp gốm chồng lên nhau, có cả gốm Việt và gốm Trung Hoa, đã chứng minh rằng, từ rất xa xưa, những con thuyền xuyên đại dương đã từng ghé lại đây để giao lưu, buôn bán với người bản địa trên đảo Lý Sơn.
Trong 5 ngọn núi hình thành nên đảo Lý Sơn thì núi Thới Lới được xem như núi toàn đá. Trông xa xa, những vỉa đá dát vào núi Thới Lới như da một con khá sấu khổng lồ. Tiến sát lại, lớp đá này mang những hình thù kì quái, trông giống như lớp bọt của một chảo đường lúc sôi trào. Có lẽ, khi hình thành hòn đảo này, các ngọn núi lửa tại đây hoạt động liên tục trong một thời gian rất dài. Như Chùa Hang dưới chân núi là một ví dụ. Có lẽ trong lòng chùa Hang là một lớp kiến tạo địa chất khác nên khi gặp sóng biển vỗ vào liên tục hàng ngàn năm, lớp đá mềm bị xói mòn và khoét sâu để tạo nên một ngôi chùa độc nhất vô nhị trên nước Việt Nam này: Không xây bất cứ một viên gạch, một lớp vôi vữa nào mà vẫn có chùa! Ngôi chùa đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia là vì vậy.
Nếu núi Thới Lới toàn đá thì núi Giếng Tiền lại có rất nhiều đất đỏ, giống đất bazan Tây Nguyên. Lòng Giếng Tiền cũng có miệng núi lửa nhưng không lớn bằng Thới Lới. Đất đỏ của ngọn núi lửa này được người dân Lý Sơn lấy về rải lên ruộng tỏi. Cùng với cát được lấy từ biển quanh đảo, loại đất đỏ ở núi Giếng Tiền đã thành lớp phân để bón tỏi. Chính hai loại đất và cát ấy đã tạo nên hương vị rất riêng cho tỏi Lý Sơn.
Cũng tại miệng núi lửa Giếng Tiền, có một khoảng đất nhỏ, dù là đất đỏ nhưng lại không có một loài cây cỏ nào mọc được. Những ông thầy cúng ở đảo, lên núi Giếng Tiền đào đất chỗ này mang về làm hình nhân để chôn trong những ngôi mộ gió. Có lẽ, các thầy cúng quan niệm rằng đây là chỗ đất tinh khiết nhất nên dành để làm thân thể cho người đã khuất.
Trên miệng của cả 5 ngọn núi lửa ở Lý Sơn đều có lòng chảo hình phễu nhưng tất cả đều bị khuyết một góc. Riêng miệng núi Thới Lới, người ta đang bít lối thoát nước này để hình thành một cái hồ chứa nước khổng lồ ngay trên đỉnh núi. Những cánh đồng tỏi, hành và hai vạn dân trên đảo sẽ có một chiếc máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ từ ngay miệng núi lửa này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét